Hiện nay, ở thành phố Quy Nhơn, phường Bình Định, Đập Đá – thị xã An Nhơn và một số thị trấn như Bồng Sơn, Phú Phong, Diêu Trì… có khá đông người đi xin ăn. Đây là hiện tượng xấu cần được loại bỏ bởi phần lớn những người đi xin ăn là những người còn khả năng lao động.
|
Người đàn ông này có biệt danh là “Bình cụt” xin ăn ở Chợ Đầm Quy Nhơn từ nhiều năm nay. Các “đồng nghiệp” xin ăn khác kể lại rằng nhà anh ta sắm được hai chiếc xe máy, trong nhà đầy đủ tiện nghi nhờ vào tài đi xin của mình. Tối Rằm Tháng Giêng (7.2), anh ta có mặt tại Tổ đình Long Khánh từ sớm để xin tiền của người đi lễ chùa.
|
101 cách giả dạng ăn xin
Một người quen kể chuyện, cách đây vài tuần, có một sư cô mặc một bộ quần áo nhà chùa màu nâu đến xin tiền khất thực. Chị không cho, nói “đây là nhà sư giả dạng”, thì ngay lập nữ ni cô buông ra một tràng xối xả: “Ta là người cõi trên cử xuống, mi không cho thì sau này ân hận. Mi không cho thì thôi tại sao lại dám nói điều xằng bậy”. Nhưng càng nói, nữ ni cô này càng “lòi đuôi” giả danh vì người tu hành thực sự không ai nói như vậy. Những người ngồi trong bàn cà phê hôm ấy cho biết, họ từng gặp ni cô này và cũng bị nghe những lời thô tục khi từ chối cho tiền. Điểm đặc biệt của ni cô này là chỉ thích nhận tiền chứ không nhận bánh trái.
Một tiểu thương ở Chợ Đầm tôi quen kể lại một trường hợp một người ăn xin bị lật tẩy hết sức tình cờ. Ông này đã ngoài 40 tuổi, quanh năm nằm dầm dề ở những nơi dơ dáy, nhất là hàng cá, hàng mắm. Động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh người đàn ông bị liệt nặng đến nỗi không thể lết mình, người đi chợ thường xuyên cho tiền ông. Cho đến một hôm, bếp gas mini ở một kiốt gần đó phát nổ, thì nhanh chân hơn ai hết, người ăn xin này đã đứng dậy vọt lẹ chạy ra ngoài. Đến lúc này, mọi người mới biết rằng ông ta giả liệt. Có lẽ bởi “mánh” đã bị lật tẩy nên từ đó ông ta đã chuyển địa bàn hoạt động sang nơi khác, không thấy xuất hiện ở Chợ Đầm nữa.
|
Những người phụ nữ này, ngồi hàng dãy dài, xin tiền người đi chùa. Trông họ không quá khổ sở lam lũ, mà trái lại quần áo có vẻ tươm tất.
|
Còn một người quen của tôi lại cho biết một thanh niên gần nhà có tật ham mê cờ bạc. Để có tiền chơi bài, cậu ta đi xin. Gặp ai anh cũng kể lể rằng mẹ mất, cha lấy vợ khác; dì ghẻ khắc nghiệt không cho cậu ta ăn uống, lại bắt đi làm cực khổ. Bởi anh ta trông nhỏ thó nên nhiều người tưởng thật, cám cảnh cho tiến. Có một lần người hàng xóm đã phát hiện ra, đến mắng anh ta giữa chợ: “Mày còn cha mẹ, cha mẹ mày cũng đâu để mày túng thiếu mà tại sao lại đi làm cái chuyện thất đức như thế, còn dám trù ẻo cho mẹ chết”. Vở kịch thương tâm hạ màn ở mấy chợ quanh quẩn Quy Nhơn, anh ta bắt xe buýt lên chợ Đập Đá (An Nhơn) để xin ăn.
Đừng để lòng tốt bị lợi dụng
Vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm, người xin ăn lại lũ lượt kéo nhau đến nghĩa trang, chùa chiền để nhờ vào của thiên hạ bố thí. Có mặt tại Tổ đình Long Khánh vào tối Rằm Tháng Giêng (7.2), tôi nhận thấy phải có đến vài ba mươi người đang ngồi xếp hàng dài xin tiền của những người đi vãn cảnh chùa. Điều dễ nhận thấy là tuy họ đi xin nhưng quần áo lại khá sạch sẽ, tươm tất. Tôi chắc rằng phần lớn họ đều có nhà cửa, song muốn lợi dụng tâm lý “bố thí đầu năm” của nhiều người đến chùa chiền, thăm viếng mộ nên “tranh thủ” cải thiện thêm. Người xin khéo, biết cách xin có thể kiếm một vài trăm ngàn một ngày. Số tiền kiếm được nhờ vào lòng tốt, sự thương hại của người khác.
|
Người đàn ông này giả đau ốm, nằm một chỗ để xin tiền. Nhưng theo quan sát của phóng viên, thì chỉ trước đó vài phút anh ta vẫn ngồi dậy mạnh khù, nói chuyện với “đồng nghiệp” bên cạnh (mặc áo xanh).
|
Hiện nay trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, nhất có khá đông người ăn xin là dân tộc thiểu số ở xã Canh Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên ra Bình Định xin ăn. Họ kéo nhau đi xin hàng chục người, và thường xin ở Tổ đình Long Khánh, thậm chí họ còn đến cả chùa Linh Phong, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát và qua xã đảo Nhơn Lý, Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Hễ xin được “hòm hòm” thì cắt cử một người đem tiền, bánh kẹo về làng; những người khác ở lại tiếp tục xin.
Cũng đã từng đi viết bài về ăn xin nên tôi biết khá tường tận, nhiều người tậu được xe máy xịn, xây nhà cửa bằng cái nghề này. Họ coi nghề ăn xin cũng là một nghề như bao nghề khác. Có người đi xin khi bị thu gom, bắt giữ trong túi có đến hàng triệu đồng. Đã đến lúc, phải nói không với những người sống dựa vào lòng tốt của người khác. Không còn người cho tiền thì những người ăn xin sẽ không còn đất sống nữa.
“Tôi và một số cán bộ của Sở đã từng vào tận làng Canh Lãnh tìm hiểu tình hình, nhờ chính quyền địa phương, trưởng làng can thiệp, ngăn chặn tình trạng này nhưng mọi chuyện cứ như bắt cóc bỏ dĩa. Hiện nay các đối tượng này biết ngành chức năng của tỉnh có chủ trương thu gom, bắt giữ các đối tượng xin ăn nên lẩn trốn rất nhanh, nên khó mà bắt được họ”.
Ông PHAN NHƯ HẢI, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết. |
|