Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ nở rộ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, vẫn có không ít cơ sở còn xem nhẹ công tác tuyển chọn, đào tạo dẫn đến một số trường hợp nhân viên bảo vệ (NVBV) yếu văn hóa ứng xử, thậm chí xô xát với khách hàng...
Yếu văn hóa ứng xử
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, quán cà phê H.V không ít lần xảy ra lộn xộn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa NVBV và khách hàng liên quan đến việc trông giữ xe. Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở đường Đống Đa (TP Quy Nhơn), kể: “Một buổi tối cách đây vài tháng, trong một lần đến chơi nhà bạn ở đối diện quán cà phê H.V, tôi ra đứng ngoài vỉa hè nghe điện thoại. Trong khi tôi đang nói chuyện điện thoại ở phía bên này đường thì một NVBV của quán cà phê H.V từ bên kia đường chạy qua “đuổi” tôi đi. Bực mình trước thái độ vô lý của NVBV đó, tôi phản ứng: “Tôi đứng trước nhà bạn tôi, liên quan gì đến quán cà phê H.V mà ông đuổi?”. “Ông đứng đây làm sao tôi trông xe (!?). Vả lại, thấy tướng ông giống thằng đang rình lấy trộm xe, làm sao tôi yên tâm được”. Nói xong, anh ta xông vào định đánh tôi thì mọi người can ngăn.
|
Gần đây, ở tỉnh ta, xu hướng thuê nhân viên bảo vệ trở nên khá phổ biến (ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết). |
Anh Quân, chủ một nhà hàng trên đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn), kể: “Cách đây một năm, khi mới khai trương nhà hàng, tôi hợp đồng với một công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ thuê 2 NVBV để trông xe cho khách. Mình là chủ nhưng chẳng bao giờ dám nói tiếng nặng với khách, nhưng NVBV thì suốt ngày kình cãi, thậm chí có lần đánh nhau đổ máu với khách. Bức xúc, tôi đề nghị đổi NVBV, nhưng mấy nhóm NVBV sau này cũng hành xử y như vậy. Giờ nghe nói đến NVBV là tôi sợ lắm. Thà thuê người ở ngoài làm rồi trả lương cao hơn cũng được”.
Không chỉ thiếu tế nhị, thường xuyên gây gổ với khách hàng, nhiều NVBV nhà hàng, quán cà phê còn thiếu ý thức trong quá trình làm nhiệm vụ. Anh Trần Văn Hồng, nhà ở đường Võ Xán (TP Quy Nhơn), bức xúc: “Khu nhà tôi ở có 3 quán cà phê. Ở trước nhà, một quán chiếm vỉa hè nhà tôi để xe máy, còn dưới lòng đường thì để ô tô chặn trước cửa; bên hông thì hai quán cà phê sau lưng nhà “xí phần” để xe máy. Dù tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, nhưng các NVBV này hình như không có chút ý thức nào, cứ tiếp tục để xe chặn cả lối ra vào nhà tôi”.
Cần chú trọng từ khâu đào tạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng NVBV có những hành vi thiếu ý thức, hay xảy ra mâu thuẫn, xô xát với khách hàng chủ yếu là do kỹ năng ứng xử, đạo đức của các NVBV còn kém. Theo quy định, nhân viên của các công ty bảo vệ phải được đào tạo qua các trường có chức năng đào tạo của Cục Quản lý Hành chính và Trật tự Xã hội (Bộ Công an) hoặc các công ty có chức năng đào tạo do Cục này cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ ở Quy Nhơn thường tự tổ chức đào tạo.
Hiện tại, giáo trình và thời hạn đào tạo NVBV, vệ sĩ vẫn chưa có quy chuẩn thống nhất. Doanh nghiệp nào tự đào tạo và tự cấp chứng chỉ cho nhân viên của doanh nghiệp đó. Thời hạn học cũng vô chừng, có nơi đào tạo 2 tháng, nơi 3 tháng, thậm chí có nơi chỉ… vài ngày.
Anh Minh, nhân viên một công ty bảo vệ ở Quy Nhơn, cho biết: “Cách đây một năm, khi được nhận vào công ty thử việc, tôi được công ty đào tạo một buổi gồm một số kiến thức cơ bản như: làm công việc gì, ở đâu, giờ giấc ra sao… Sau đó, tôi được giao làm NVBV cho một nhà hàng, rồi luân chuyển qua quán cà phê cho đến giờ”. Tôi hỏi, một buổi sao học hết các kỹ năng nghiệp vụ? Anh Minh hồn nhiên: “Chủ công ty bảo với tôi rằng vệ sĩ thì mới phải học nhiều, chứ NVBV chỉ trông giữ xe thì… cần gì học”.
Rõ ràng, loại hình dịch vụ bảo vệ ở tỉnh ta hiện đang có một số dấu hiệu bất ổn. Hy vọng các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo kiểu bát nháo, trái với quy định của pháp luật.
|