Năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 127 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 6 người và bị thương 121 người. So với năm 2010, TNLĐ đã giảm cả về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc giảm thiểu TNLĐ vẫn chưa thực sự bền vững.
Những cái chết do… chủ quan
Khoảng 8 giờ, ngày 23.12.2011, tại hố ga thoát nước trên vỉa hè trước nhà số 212 đường Trần Hưng Đạo (ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) đã xảy ra vụ TNLĐ khiến anh Võ Thanh Lâm (trú tại khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) tử vong. Nguyên do là trong quá trình thi công hệ thống cống thoát nước, anh Lâm không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nâng - hạ nắp cống nên bị nắp cống rơi vào người. Trước đó vài năm, cũng tại nơi này, trong quá trình thi công hệ thống thoát nước, một người điều khiển xe máy đào đụng vào dây điện, dẫn đến một công nhân bị điện giật chết.
|
Một thợ hồ bị tai nạn khi đang thi công công trình. |
Hay một vụ TNLĐ khác, lúc 15 giờ 40 ngày 23.5.2011, tại Km 1107 +900 tuyến đường sắt Bắc – Nam, thuộc thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, đã xảy ra vụ TNLĐ làm một người chết. Nạn nhân là anh Võ Hữu Việt, cán bộ kỹ thuật thuộc Tổng Công ty cổ phần Đường sắt Việt Nam, trong lúc kiểm tra cọc khoan nhồi cầu đường sắt, đã bị rơi từ thành cầu cũ xuống chân giàn khoan, bất tỉnh. Tuy được đưa đi cấp cứu ngay lúc đó, nhưng đến tối cùng ngày, anh Việt đã qua đời.
Ngoài những vụ TNLĐ dẫn đến chết người, hàng năm, còn có hàng trăm vụ TNLĐ khác xảy ra trên địa bàn tỉnh ta, khiến nạn nhân nhẹ thì bị xây xát, nặng thì tàn phế suốt đời. Trong số này, yếu tố gây chấn thương thường là bị rơi ngã, điện giật, hay mắc kẹt giữa các vật thể, do vật rơi. Theo phân tích của các cơ quan chức năng, những nghề nghiệp có tỉ lệ xảy ra TNLĐ chết người cao nhất thuộc về ngành xây dựng, tiếp đó là thợ gia công kim loại, cơ khí, lắp ráp, vận hành máy…
Cần có giải pháp hữu hiệu giảm thiểu TNLĐ
Theo thống kê, năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 127 vụ TNLĐ, làm chết 6 người và bị thương 121 người; giảm 42 vụ và 3 người chết so với năm 2010. Tuy nhiên, một cán bộ Sở LĐ-TB&XH nhìn nhận, số vụ TNLĐ được thống kê là chưa đầy đủ vì nhiều đơn vị tìm mọi cách giấu nhẹm thông tin khi xảy ra TNLĐ. |
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra thời gian qua trên địa bàn tỉnh là do người sử dụng lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn lao động; nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của chủ sử dụng lao động và người sử dụng lao động còn hạn chế.
Trong khi đó, số vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh ta được điều tra và kết luận vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng số vụ xảy ra. Nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp cố tình né tránh, trong khi lực lượng thanh tra lao động lại mỏng, chế tài sau xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Thanh tra viên Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Qua các đợt thanh tra của Sở LĐ-TB&XH và liên ngành của tỉnh về ATVSLĐ cho thấy, hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, chưa trang bị đủ những dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động, cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm lo sức khỏe cho người lao động. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở chấp hành đầy đủ nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi”.
TNLĐ không chỉ gây tổn thất, thiệt hại đối với bản thân, gia đình người lao động, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Đã đến lúc, các ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để giảm thiểu tối đa TNLĐ.
|