Thượng tá Trần Kiến Thiết, Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường:
Vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, phức tạp
21:59', 7/3/ 2012 (GMT+7)

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường (VPPLVMT) trên địa bàn tỉnh hiện tiếp tục diễn biến khá phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng có chiều hướng tinh vi, đa dạng hơn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn thượng tá Trần Kiến Thiết, Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh.

* Ông đánh giá thế nào về tình trạng VPPLVMT hiện nay trên địa bàn tỉnh ta?

- Hiện nay, tình trạng VPPLVMT diễn ra ở nhiều lĩnh vực và đang có chiều hướng phức tạp, trong đó tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực sau:

 

Một lò giết mổ gia súc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Thứ nhất, vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải công nghiệp tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất… không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với các cơ quan chức năng khi có kiểm tra.

Thứ hai, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân với các hành vi thu mua hàng giả, kém chất lượng rồi đóng gói mới; làm giả bao bì sản phẩm, dập lại hạn sử dụng những mặt hàng đã hết hạn sử dụng. Tình trạng vận chuyển, mua bán các loại gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; nhập khẩu thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng; sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục, phụ gia vượt quá liều lượng cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong nuôi, trồng động vật, thực vật… diễn ra khá phổ biến.

Thứ ba, trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhiều đơn vị không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng dẫn tới tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát, làm thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ, biến đổi dòng chảy.

* Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên, thưa ông?

- Thời gian qua, công tác quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện tốt. Nhiều KCN, CCN cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện cơ sở hạ tầng đang xây dựng, chưa hoàn chỉnh; hệ thống xử lý khí thải, nước thải công nghiệp tập trung chưa được xây dựng hoặc xây dựng nhưng chưa vận hành được. Về phía DN, trước sức ép cạnh tranh, các tổ chức, cá nhân đã bất chấp các quy định, quy trình xử lý chất thải, sử dụng mọi thủ đoạn để giảm chi phí, tăng lợi nhuận bất chính.

Ngoài ra, hậu quả của tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phần lớn mang tính tích lũy theo thời gian; do vậy, trong hoạt động điều tra không xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, không đánh giá đầy đủ thiệt hại gây ra nên thường chỉ xử lý bằng các biện pháp nhẹ (nhắc nhở, cảnh cáo, xử lý hành chính), không đủ mức độ răn đe và phòng ngừa tái phạm.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 44 khu, cụm công nghiệp; 51 làng nghề và khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó có 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2011, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 125 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường, tăng gần 33% số vụ phát hiện so với năm 2010.

* Vậy, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng VPPLVMT đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh ta?

- Để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi, thứ nhất là tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ quan, tổ chức, DN. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vụ VPPLVMT là nguyên nhân gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Thứ hai, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh, hoạt động y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và khai thác tài nguyên…

Thứ ba, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do các cơ quan, tổ chức và nhân dân thông báo. Qua đó, triển khai thực hiện nghiêm túc và công khai kết quả giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Một vấn đề khá quan trọng nữa là tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các đơn vị, người dân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

* Xin cảm ơn ông!

  • ANH TÚ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bắt khẩn cấp thêm một đối tượng  (07/03/2012)
1 tàu cá cùng 7 ngư dân mất tích gần 3 tuần  (07/03/2012)
2 vụ cháy mô tô  (07/03/2012)
Bắt khẩn cấp chủ cây xăng Hoàng Thanh Tùng  (06/03/2012)
Bùng phát nhiều điểm cháy mới ở vườn quốc gia Hoàng Liên  (06/03/2012)
Xung kích trên mặt trận bảo vệ ANTQ  (05/03/2012)
Chủ cây xăng thuê côn đồ chém, bắn người bán hàng rong  (05/03/2012)
Xe khách đang lưu thông bốc cháy ngùn ngụt  (05/03/2012)
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra PCCC trên địa bàn tỉnh  (04/03/2012)
Triệt phá băng cướp giật  (04/03/2012)
Nhiều kết quả tích cực  (04/03/2012)
Vào tù vì vô ý đốt rừng  (03/03/2012)
Lật xe trên đèo, 13 người thiệt mạng  (02/03/2012)
UBND huyện đã có kết luận về vụ việc  (01/03/2012)
Cẩn trọng với tai nạn lao động  (01/03/2012)