1.Mẹ dẫu nghèo, vẫn cố sắm cho con chiếc điện thoại di động. Một thời gian, con lại thấy không thích chiếc điện thoại “cà tàng” nữa bởi không có nhiều chức năng như loại điện thoại xịn mà các bạn trong lớp của con có. Con xin đổi, mẹ nói chờ khi nào có điều kiện. Khi đi dạo ở các cửa hàng điện thoại cho thỏa “cơn ghiền”, trong một phút bốc đồng, con đã giật lấy chiếc điện thoại của người bán đưa cho mình, rồi bỏ chạy. Trước mẹ và cơ quan chức năng, con vừa khóc vừa nói: “Cháu muốn có chiếc điện thoại có nhiều chức năng như các bạn nên mới làm thế. Cháu biết lỗi rồi…”.
|
Các bị cáo trong vụ án giết người ở phường Nhơn Bình được TAND tỉnh đưa ra xét xử mới đây. Bị cáo Lê Tuấn Anh, Võ Ngọc Anh (đứng thứ nhất, thứ hai từ bên phải) bị tuyên phạt 20 năm tù. |
Còn đây là câu chuyện về đứa con gái đầu của một ông bố nghèo nuôi 7 đứa con “trứng gà trứng vịt”. Con gái học giỏi từ nhỏ, nhưng từ khi vào cấp 3 theo chơi cùng một nhóm bạn con nhà khá giả, thì con nhiễm ngay thói đua đòi, học hành ngày một sa sút. Tệ hại hơn, để có tiền thỏa mãn những nhu cầu của mình, con đã ăn cắp và bị xử lý hình sự đến 3 lần dẫu chưa đến tuổi trưởng thành. “Nhà nghèo nên tôi chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của con. Tôi luôn nói mình nghèo nhưng phải đói cho sạch, rách cho thơm, vậy mà…” - ông bố tội nghiệp đã ứa nước mắt nói vậy ở phòng xét xử.
2. Hai trường hợp trên có thể không nói lên được nguyên nhân của tình trạng phạm tội đang ngày một gia tăng và trẻ hóa dần của thanh thiếu niên, song cũng có thể phản ánh một phần của thực trạng khi nhu cầu vật chất không được thỏa mãn, trong một phút bốc đồng, người trẻ tuổi có thể sẵn sàng phạm tội. Về hiện tượng đua đòi của một số học sinh, một hiệu trưởng THCS ở TP Quy Nhơn đã nhận xét: “Nếu phụ huynh không cho con tiền, không thỏa mãn nhu cầu của con, các em có thể làm theo lời xúi bẩy của các kẻ xấu để có được cái mình cần. Nhưng nếu phụ huynh luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con thì cũng không hề tốt. Tốt nhất là phải dạy con biết tiết chế những ham muốn của mình, biết đâu là điểm dừng để không phạm phải những lỗi lầm đáng tiếc. Mà điều này, phụ huynh phải dạy con từ rất sớm… ”.
“Sự giáo dục của gia đình quyết định hình thành nhân cách của các em. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh đã “khoán trắng” cho nhà trường hoặc sống không gương mẫu khiến con cái không phục. Có trường hợp bố mẹ ly hôn, không quan tâm đến con, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Sống trong bối cảnh gia đình như vậy, các em thường có tâm lý chán nản, tự ti, bỏ mặc và cũng rất dễ sa ngã” - hiệu trưởng một trường THPT tư thục nhận xét. |
3. Mới rồi, khi dự phiên tòa xử vụ án “giết người” do Võ Ngọc Anh, Lê Tuấn Anh và một số đồng phạm khác gây ra ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) vào cuối tháng 2 vừa qua, tôi không khỏi giật mình khi thấy vẻ mặt vẫn thản nhiên như không của hai bị cáo này, dẫu mức án đề nghị dành cho họ có thể là chung thân, tử hình. Được biết, hoàn cảnh gia đình của hai bị cáo này không thuận lợi, cha mẹ lại thiếu quan tâm, dạy dỗ. Họ sống hoang dã như cỏ dại, sớm thành những kẻ côn đồ hung hãn. Lê Tuấn Anh tuy mới 16 tuổi nhưng đã có 2 tiền sự về tội đánh người.
Ở nhiều phiên tòa hình sự khác, đa phần thanh thiếu niên phạm tội có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt: cha mẹ đã ly tán, bê tha hoặc bị cha mẹ bỏ mặc muốn ra sao thì ra. Có những bà mẹ có con ở tuổi vị thành niên liên tiếp cướp giật trên 40 triệu đồng, bảo rằng họ không hề biết con mình phạm tội vì thấy “chúng vẫn lễ phép ngoan ngoãn, sinh hoạt bình thường”. Song “bình thường” sao được khi mà họ dễ dàng buông xuôi, thuận theo việc con mê game nghỉ học, chấp nhận việc thường xuyên ngủ qua đêm ở ngoài, thậm chí khi con thuê phòng trọ ở riêng cùng với bạn gái mà mẹ cũng không hề biết.
“Dẫu chưa có một thống kê chính thức, nhưng tỉ lệ thanh thiếu niên ở những gia đình mà cha mẹ ly hôn hay bỏ mặc con cái phạm tội nhiều hơn so với các gia đình bình thường khác. Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm, vì có những người xuất thân từ gia đình nền nếp, căn bản cũng phạm tội…” - một kiểm sát viên Viện KSND tỉnh nhận xét.
|