Năm 2011, số vụ khiếu nại ở huyện An Lão tăng lên 73 vụ trong khi những năm trước chỉ khoảng 20-30 vụ/năm... Thanh tra huyện đã nỗ lực làm rõ nhiều thắc mắc của người dân.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Thanh tra tỉnh năm 2011, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chánh Thanh tra huyện An Lão, cho rằng nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại tăng đột biến trong năm 2011, chủ yếu liên quan đến việc thanh lý gỗ rừng trồng theo Chương trình 661. Một số vụ khiếu nại nhiều năm, qua nhiều cấp giải quyết nhưng không có kết quả. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra huyện An Lão đã kiểm tra, xem xét cụ thể các vụ khiếu kiện, qua đó đề xuất Huyện ủy, UBND huyện hướng xử lý, đem lại sự công bằng cho người dân.
Điển hình là vụ tranh chấp hơn 3 ha đất trồng keo nguyên liệu giấy do 6 hộ dân tộc thiểu số ở thôn 1, xã An Trung đứng đơn. Đây là lần đầu tiên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện khiếu kiện. Diện tích đất này trước đây là của một số hộ dân khai hoang trồng mì, nằm ở địa thế thuận lợi cho việc vận chuyển, khai thác gỗ. Một cán bộ ngành kiểm lâm đặt vấn đề với trưởng thôn là sẽ trồng keo mô hình trên đất này, đề nghị vận động bà con giao đất lại cho anh ta và sau đã được bà con thống nhất giao lại vì tin tưởng rằng đất giao lại cho Nhà nước để trồng mô hình. Anh cán bộ này đã thuê các hộ trên trồng keo và trả một khoản tiền cho họ, gọi là tiền công khai hoang. Sau một thời gian, anh ta lại làm thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất và đã được UBND huyện cấp sổ đỏ với diện tích 3 ha đất, thời hạn sử dụng 50 năm. Trước việc làm thiếu trung thực này, bà con đã khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan chủ quản cấp trên của anh này cho rằng khiếu nại của bà con là không có cơ sở, nên họ tiếp tục khiếu nại. Sau đó, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Thanh tra huyện kiểm tra, xem xét đề xuất hướng xử lý. Cuối cùng, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, giao 3 ha đất cho 6 hộ dân tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, Thanh tra huyện còn giải quyết một trường hợp khiếu kiện cũng khá đặc biệt nữa của bà con dân tộc thiểu số.
Bà Đinh Thị La ở thôn Gò Đồn, xã An Tân, là người có công cách mạng nên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm 2009, bà làm đơn lên Huyện đội đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 290 đối với các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thôn có một người tên Nganh, còn có tên gọi khác là La, tuy không có công trạng gì nhưng cũng được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba và tiền chế độ 290. Sau khi kiểm tra toàn bộ hồ sơ gốc, Thanh tra huyện đã phát hiện phiếu nhận tiền Huân chương (1.020.000 đồng) và tiền chế độ 290 3 triệu đồng có chữ ký tên La bên cạnh còn có tên Nganh. Thì ra, người đưa giấy thông báo mời nhận tiền đã đưa nhầm cho bà Nganh. Vụ việc nhanh chóng sáng tỏ, bà Nganh đã thừa nhận mình sai và giao lại số tiền mình đã nhận cho bà La.
|