|
Một sản phẩm mà kẻ lừa đảo đã lừa bán cho người dân ở vùng quê. |
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân nông thôn, một số kẻ xấu đã dùng nhiều mánh khóe để lừa bán hàng rởm cho họ. Đến khi kẻ lừa đảo lấy được tiền rồi cao chạy xa bay, người mua mới biết mình bị lừa.
Anh Trần Vũ, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, kể: “Năm ngoái, gia đình tôi có người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh viện “bó tay” nên trả về nhà nằm chờ chết. Chẳng hiểu sao mà kẻ lừa đảo biết tin, tìm đến tận nhà tiếp thị loại “thuốc thần kỳ” với giá 2 triệu đồng, uống vào sẽ kéo dài sự sống thêm 10 năm. Trong cơn nguy kịch, lại nghe chị ta nói quá hay, nên mọi người trong gia đình đã góp tiền mua một lọ. Thế nhưng, uống vào chẳng thấy sống thêm mà người nhà tôi còn “ra đi” sớm”.
Cũng theo anh Vũ, cách đây không lâu, ở quê anh, đã có người bị lừa vì mua phải bếp từ dỏm của một nhóm “nhân viên tiếp thị”. Giá gas tăng cao, hơn nữa gần đây lại xảy ra nhiều vụ nổ bình gas mà báo chí phản ánh, nên tâm lý nhiều người e ngại việc sử dụng bình gas. Nắm bắt tâm lý đó, một số nhóm đối tượng tự xưng là nhân viên tiếp thị của một công ty ở TP Hồ Chí Minh mang bếp từ đến xã Mỹ An bán giảm giá cho bà con nghèo. Nghe họ “phân tích” rằng bếp từ ít tốn điện, dùng lại an toàn, nên nhiều người đã móc hầu bao mua với giá 1,5-2 triệu đồng/chiếc. Khi nhóm tiếp thị đi rồi, những người mua phải bếp từ mới biết giá thị trường mỗi chiếc bếp từ mình mua chỉ nằm khoảng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.
Bên cạnh những người ăn mặc sạch đẹp để lừa bán hàng, cũng có không ít kẻ “lột xác” thành “người rừng” cho phù hợp với hoàn cảnh để lừa người dân nông thôn. Bà Nguyễn Thị B. (ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) vừa bị lừa mua phải “mật ong rừng”… dỏm là một trường hợp điển hình. Bà B. cho biết, cách đây không lâu, có một người ăn mặc giống như người đi rừng, tay xách lỉnh kỉnh những dụng cụ đốt ong, một chiếc thau to đựng miếng sáp ong lớn và thứ nước sánh dẻo màu hổ phách... đến xóm bà bán dạo “mật ong” với giá thấp hơn thị trường khoảng 100 ngàn đồng/lít. Thấy rẻ, bà B. mua 2 lít để dành sử dụng. Thế nhưng, khi “người rừng” lấy tiền đi rồi, bà B. mới phát hiện “mật ong” mà bà mua được làm từ… mía đường. Bà B. bức xúc: “Con dâu tôi mới sinh, lại thấy người bán mật ong giống như người đi rừng vừa về, nên tôi mua 2 lít. Ngày hôm sau, thấy nước đường đóng ở phía dưới, nước trong nổi lên trên, mới biết mình bị lừa mất hơn 500 ngàn đồng”.
Ngoài những chiêu trên, hiện ở các vùng nông thôn, nhiều kẻ lừa đảo còn dùng nhiều thủ đoạn để lừa bán các mặt hàng giả như: dầu phụng, mỹ phẩm, bột ngọt… cho người dân. Mọi người cần đề cao cảnh giác để tránh “mắc bẫy” những kẻ lừa đảo.
|