|
Lối đi ở hầu hết các chợ đều bị tiểu thương chiếm dụng nên sẽ rất khó khăn cho lực lượng cứu hộ mỗi khi xảy ra sự cố cháy nổ. |
Thời gian gần đây, các ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên trong thực tế, công tác PCCC tại hầu hết các chợ vẫn còn rất nhiều điều phải lưu ý.
Sau khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại chợ Lớn Quy Nhơn, hầu hết các chợ đóng trên địa bàn TP Quy Nhơn đều đặc biệt chú trọng đến công tác PCCC. Các ban quản lý (BQL) chợ phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục công tác phòng, chống cháy nổ cho tiểu thương. Những thiết bị chữa cháy như bình xịt, máy bơm nước đều được các BQL chợ trang bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Ông Trần Phúc Danh, Trưởng BQL chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), cho biết: BQL chợ xem công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nên thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con tiểu thương phải thực hiện tốt nhiệm vụ này. Hiện tại, BQL chợ trang bị 2 bình xe đẩy và 12 bình xịt chữa cháy xách tay; 3 máy bơm nước và 2 hồ chứa nước với thể tích 100m3 nước để ứng phó khi có sự cố cháy. Hàng tháng, BQL chợ tổ chức diễn tập PCCC 1 lần vào cuối tháng để vừa kiểm tra thiết bị, vừa luyện tập kỹ năng chữa cháy.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi vào sáng 15.3, công tác PCCC tại chợ Đầm vẫn còn nhiều điều phải xem xét lại. Đó là, các quầy kinh doanh phía bên trong chợ sắp xếp khá tùy tiện, hàng hóa được chất đống nhiều tầng, nhiều lớp. Khoảng cách giữa các gian hàng hẹp, không có lối thoát hiểm, nếu xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy khó có thể tiếp cận kịp thời. Đặc biệt, khu vực xung quanh chợ (phía đường Nguyễn Chánh), nhiều hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống vẫn vô tư dùng than, củi nhóm lửa để nấu thức ăn. Trong khi đó, nhiều vật liệu dễ cháy như bao ni lông, các loại lều bạt lại ở sát bên cạnh nhau nên rất dễ xảy ra sự cố.
Tại một số chợ khác trên địa bàn TP Quy Nhơn như chợ Sân Bay, chợ Khu 2, chợ Phú Tài, chợ Cây Xăng... công tác PCCC vẫn còn nhiều bất ổn. Các tiểu thương mạnh ai nấy lấn chiếm lối đi trong khu vực chợ để trưng bày hàng nên đường đi đã hẹp lại càng hẹp thêm. Bên trên, tiểu thương giăng kín nhiều loại lều bạt cũ nát để che mưa nắng, chỉ cần một đóm lửa rơi vào là có thể gây ra hỏa hoạn.
Tình trạng lơ là, thiếu cảnh giác trong việc phòng, chống cháy nổ tại một số chợ đóng trên địa bàn các huyện như Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, thị xã An Nhơn... cũng đang ở mức báo động.
Tại một số chợ như chợ Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), chợ Bình Định (thị xã An Nhơn), chợ Phù Cát (huyện Phù Cát)..., vẫn tồn tại tình trạng lấn chiếm hết các ngả đường vào chợ. Việc lấn chiếm này làm bít tất cả lối ra vào chợ, gây mất trật tự an toàn trong khu vực và cản trở các phương tiện chữa cháy khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Bên cạnh đó, ở hầu hết các chợ, phương tiện PCCC tại chỗ rất thô sơ, cũ kỹ; hành lang an toàn, lối thoát hiểm trong chợ và xung quanh chợ quá chật hẹp. Thậm chí, công tác PCCC ở một số chợ chỉ là cái vỏ bên ngoài để đối phó mỗi khi ngành chức năng kiểm tra.
Mặt khác, nhiều tiểu thương có tâm lý ỉ lại vào BQL chợ và các ngành chức năng trong PCCC. Họ cho rằng, vào chợ thì chỉ quan tâm việc mua bán, công tác phòng, chống cháy nổ là nhiệm vụ của BQL và lực lượng PCCC nên rất chủ quan, lơ là. Ngoài ra, hầu hết tiểu thương ở nhiều chợ cũng không quan tâm đến việc mua bảo hiểm cháy nổ. Với rất nhiều hộ, khái niệm “bảo hiểm cháy nổ” là điều quá xa xỉ.
Những vụ cháy chợ luôn gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản. Vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn cách đây hơn 5 năm và vụ cháy chợ Quảng Ngãi gần đây là một minh chứng điển hình nhất. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và BQL tại các chợ phải xem công tác phòng, chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; đặc biệt là vào thời điểm mùa khô đang cận kề hiện nay.
Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy nổ; tổ chức tập huấn cho lực lượng PCCC cơ sở và các hộ kinh doanh. Quan trọng hơn, người dân cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm đối với việc PCCC trong khu vực, địa bàn kinh doanh. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và của chính các hộ kinh doanh.
|