Cần tăng cường quản lý đối tượng người bệnh tâm thần
20:55', 19/3/ 2012 (GMT+7)

Vụ việc đau lòng mới xảy ra tại thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, khi người con trai bị bệnh tâm thần xuống tay sát hại dã man mẹ ruột của mình (Báo Bình Định số ra ngày 10.3.2012 đã đưa tin) đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý các đối tượng là người bị bệnh tâm thần.

Khoảng 3 giờ ngày 9.3.2012, đối tượng Lê Minh Nay (36 tuổi) đã dùng rựa chém chết rồi đốt xác chính người mẹ đã sinh ra mình là bà Lê Thị Đôi (81 tuổi). Theo lời kể của những người hàng xóm, Nay hoang tưởng cho rằng mẹ mình là một “yêu tinh rắn” muốn giết Nay và Nay cần phải giết để trừ họa cho dân làng.

 

Đưa bệnh nhân tâm thần vào cơ sở khám, chữa bệnh là điều kiện an toàn cho người bệnh, gia đình và xã hội.

- Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt vui, văn nghệ tại một phòng ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn.  Ảnh: Trang xuân chi

Có thể thấy, Nay đã mắc chứng hoang tưởng bị hại là loại bệnh thường gặp nhất trong các chứng bệnh thần kinh hoang tưởng. Theo các chuyên gia thần kinh học, bệnh nhân bị bệnh này luôn nghĩ có ai đó đang theo dõi và tìm cách ám sát hoặc đầu độc mình. Biểu hiện của người bị bệnh này là hay giận dữ, thù hằn và có thể dùng bạo lực tấn công người mà họ nghi là đang theo dõi mình.

Trường hợp của Nay không phải cá biệt. Đã có nhiều vụ việc đau lòng tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh ta cũng như cả nước mà “kẻ gây án” là những người mắc bệnh tâm thần. Việc gia tăng các vụ án do người tâm thần gây ra khiến dư luận lo ngại về công tác quản lý, chăm sóc người tâm thần ngoài xã hội. Trên thực tế, nếu bệnh nhân tâm thần được điều trị đúng phương pháp và có sự giám sát chặt chẽ thì khó có khả năng gây hại cho người khác. 

Một cán bộ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn cho biết: Tình trạng phổ biến hiện nay là bệnh nhân tâm thần thường đi lang thang hoặc chỉ được điều trị qua loa ở nhà, rồi tự dừng uống thuốc vì cho rằng đã khỏi bệnh. Điều này thực sự rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do tình trạng quá tải ở các bệnh viện tâm thần nên không thể đáp ứng nhu cầu điều trị tập trung của người bệnh. Cùng với đó, nhiều gia đình nạn nhân có tâm lý chán nản khi phải đi lại, chăm sóc người thân nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện. Cũng có trường hợp, gia đình người bệnh nhận thức sai lầm về bệnh thần kinh, không đưa người bệnh đi điều trị mà điều trị bằng hình thức mê tín, cúng bái khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn. Một số trường hợp khác, khi biết người thân của mình có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, do e ngại điều tiếng, dư luận, gia đình che giấu và không muốn đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Trường hợp của Đinh Văn Nay là ví dụ. Năm 2008, sau khi Nay bỏ trốn khỏi Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn để vào sống với người chị ruột tại TP Hồ Chí Minh, nếu gia đình kiên quyết đưa Nay trở lại bệnh viện điều trị thì đã không xảy ra sự việc đau lòng nói trên.

Một vấn đề khác đáng quan tâm hiện nay là công tác quản lý nhà nước đối với các đối tượng người tâm thần vẫn còn bất cập. Cụ thể là chính quyền địa phương không có cơ sở pháp lý nào để can thiệp vào việc đưa người bệnh đi điều trị. Tháng 7.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Để phòng ngừa, ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng do người tâm thần có thể gây ra, các ngành và các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chăm sóc các đối tượng này. Hàng năm, các địa phương cần khảo sát, thống kê số lượng để có kế hoạch quản lý cụ thể với từng nhóm đối tượng người tâm thần. Đồng thời, thường xuyên vận động, thuyết phục những gia đình có bệnh nhân tâm thần đưa người bệnh vào cơ sở điều trị, tránh tình trạng tự chữa trị hay điều trị bằng các hình thức cúng bái, mê tín dị đoan. Đồng thời, các địa phương cần triển khai tốt các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội với người tâm thần; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần, tránh thái độ kỳ thị đối với người bệnh.

  • NGUYỄN ĐẠT
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nạn cướp giật tái diễn  (19/03/2012)
“Nuôi ong tay áo”  (19/03/2012)
Nỗ lực phòng, chống tội phạm ma tuý   (19/03/2012)
Cô gái chuyên “nhầm” nhà  (19/03/2012)
Chỉ giảm án cho 1 người  (19/03/2012)
Nhiều địa điểm bị “lọt sổ”  (18/03/2012)
Còn nhiều âu lo  (18/03/2012)
Từ lô đề… đến vành móng ngựa  (18/03/2012)
Cảnh báo về lơ là PCCC tại chỗ  (17/03/2012)
Cảnh giác thủ đoạn mới của bọn trộm cắp  (17/03/2012)
Ra mắt gia tộc tự quản về an ninh trật tự  (17/03/2012)
Cần ngăn chặn tình trạng dùng hóa chất đánh bắt cá  (16/03/2012)
Bị cướp trên đường quê  (16/03/2012)
Nhanh chóng làm rõ vụ trộm  (16/03/2012)
Bắt hai đối tượng, kết thúc chuyên án cướp giật  (15/03/2012)