Viết tiếp bài “Quy Nhơn chấn chỉnh hiện tượng lấn chiếm địa điểm công cộng để kinh doanh: Nhiều địa điểm bị “lọt sổ”:
Phải kiên quyết hơn nữa
16:47', 23/3/ 2012 (GMT+7)

Báo Bình Định điện tử số ra ngày 18.3.2012 có bài “Quy Nhơn chấn chỉnh hiện tượng lấn chiếm địa điểm công cộng để kinh doanh: Nhiều địa điểm bị “lọt sổ”” phản ảnh tình trạng một số trường hợp lấn chiếm các điểm cộng cộng (lòng đường, vỉa hè, khuôn viên công viên) trên địa bàn TP Quy Nhơn để kinh doanh, mua bán và làm điểm trông giữ xe. Điều đáng nói, hiện tượng xấu này diễn ra thường xuyên nhưng không bị chấn chỉnh, có dấu hiệu bị “lọt sổ”.

 

Cần kiên quyết hơn nữa trong công tác lập lại trật tự, văn minh đô thị ở Quy Nhơn. Trong ảnh: Vỉa hè đường Lê Lợi bị chiếm dụng toàn bộ làm nơi buôn bán quần áo và để xe.

 

Sau khi báo đăng, các cơ quan, đơn vị có liên quan và bạn đọc tiếp tục có những ý kiến phản hồi về vấn đề này.

Ông VÕ ĐƯỜNG, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND TP Quy Nhơn) kiêm Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị TP Quy Nhơn:

Cần nâng cao ý thức người dân

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, làm điểm trông giữ xe là vấn đề phổ biến và nhức nhối hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng cái chính vẫn là ý thức chấp hành của người dân chưa cao và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố còn nhiều bất cập.

Trên địa bàn TP Quy Nhơn, hầu như chưa có một địa điểm trông giữ xe nào được quy hoạch bài bản, cụ thể. Do đó, một số nhà hàng, khách sạn phải tận dụng vỉa hè, lòng đường, khuôn viên công viên để làm điểm trông giữ xe mỗi khi tổ chức đám tiệc hoặc hội nghị khách hàng.

Về tình trạng này, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan ra quân kiểm tra, xử phạt nhưng thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi có nhiều trường hợp, người vi phạm cố tình tìm cách đối phó, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài ra, quy định xử phạt theo nghị định 23 và 34 của Chính phủ vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý như mức phạt quá cao cũng gây không ít khó khăn cho việc lập lại trật tự đô thị.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý theo sự chỉ đạo của UBND TP Quy Nhơn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người dân trong vấn đề lập lại trật tự, văn minh đô thị.

Suy cho cùng, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật của người dân là vấn đề quan trọng. một khi người dân đã tự giác chấp hành thì việc lập lại trật tự, văn minh đô thị sẽ đạt hiệu quả cao.

 

Ông HỒ VĂN BÍCH, Phó chủ tịch UBND phường Trần Phú:

Cần quy hoạch một số tuyến đường để người dân buôn bán

Chúng tôi luôn xác định, công tác đảm bảo trật tự, văn minh đô thị là việc làm thường xuyên, lâu dài. Do đặc thù địa phương, cũng như kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố còn nhiều hạn chế, bất cập nên công tác chỉnh trang đô thị gặp không ít khó khăn.

Về tình trạng một số người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, đặc biệt là đường Nguyễn Huệ và Xuân Diệu, địa phương chúng tôi thường xuyên ra quân dọn dẹp, lập lại trật tự. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, việc làm này vẫn chưa triệt để và hiệu quả chưa cao.

Thực tế, đa số các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán là những người buôn thúng bán bưng, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, dù biết là vi phạm nhưng họ vẫn chấp nhận làm để kiếm tiền trang trải hàng ngày. Vì vậy, khi lực lượng chức năng ra quân, tình trạng lấn chiếm tạm lắng nhưng sau đó lại tiếp tục tái diễn.

Theo tôi, công tác chỉnh trang đô thị là nhiệm vụ dài hơi nên cần phải có sự quyết tâm và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Đồng thời, lãnh đạo TP Quy Nhơn và lão đạo tỉnh cần xem xét việc quy hoạch một số tuyến đường trên địa bàn thành phố để cho phép người dân sử dụng vào mục đích buôn bán tại đó. Bởi nếu tuyến đường nào cũng cấm thì hiệu quả sẽ không cao, người dân vẫn tiếp tục vi phạm. Khi đã có tuyến đường cụ thể cho phép người dân mua bán, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường sẽ giảm và như vậy công tác chỉnh trang đô thị sẽ đạt hiệu quả cao.

 

Trung tá LÂM KHÁNH TÙNG, Trưởng công an phường Lê Hồng Phong:

Tham mưu cho UBND phường kiểm tra, xử lý

Đúng là thời gian gần đây, trên đường Mai Xuân Thưởng - đoạn từ ngã tư giao nhau với đường Bùi Thị Xuân đến ngã tư giao nhau với đường Lê Hồng Phong có xảy ra tình trạng một số nhà hàng, khách sạn sử dụng vỉa hè và lòng đường làm bãi giữ xe. Tình trạng này xảy ra vào buổi chiều tối và vào những lúc nhà hàng, khách sạn tổ chức đám tiệc. Chúng tôi sẽ tham mưu để UBND phường Lê Hồng Phong tiến hành kiểm tra xem nhà hàng, khách sạn ở khu vực này có được phép làm như vậy hay không. Nếu đó là hành vi trái phép, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Năm nay, UBND phường Lê Hồng Phong chọn đường Mai Xuân Thưởng và đường Bùi Thị Xuân để xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp nên sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện nghiêm việc giữ gìn trật tự, văn minh đô thị.

 

Bà NGUYỄN THỊ TÌNH, 60 tuổi, trú phường Nguyễn Văn Cừ:  

Phải kiên quyết hơn nữa

Vào mỗi buổi chiều tối, tôi thường đưa cháu nội ra khu vực công viên sát bờ biển Quy Nhơn để đi dạo và hóng mát. Tôi cảm thấy rất khó chịu khi nhiều người chiếm dụng khuôn viên, vỉa hè của công viên để làm nơi trông giữ xe, buôn bán đồ ăn thức uống. Vì các khoảng trống bị chiếm dụng hết nên tôi rất lo lắng và không dám để cho cháu nhỏ chạy lung tung.

Công viên là nơi công cộng để mọi người hóng mát, thư giãn và tập thể dục, vậy mà người ta lại sử dụng nó vào mục đích riêng. Tôi đề nghị các cấp, các ngành cần kiên quyết ra quân lập lại trật tự ở những khu vực này. Phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp ngoan cố và tái phạm nhiều lần để trả lại không gian sinh hoạt công cộng cho người dân.

 

Trung tá VÕ NGỌC THÀNH, Phó Công an phường Lý Thường Kiệt:

Cần đưa ra mức xử phạt phù hợp hơn

Thực tế cho thấy, đa số người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán đều là các trường hợp có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trong khi đó, mức xử phạt theo quy định tại nghị định 23 và 34 của chính phủ đối với các trường hợp vi phạm lại quá cao.

Theo quy định tại 2 nghị định nói trên, những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán gây cản trở giao thông, mất trật tự đô thị sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện và xử phạt hành chính với số tiền 25 triệu đồng.

Một người buôn thúng bán bưng với tổng tài sản họ có chưa đến 1 triệu đồng thì chắc chắn không thể bỏ ra 25 triệu đồng để đóng phạt được. Xử lý các trường hợp vi phạm phải thật nghiêm minh để răn đe, giáo dục nhưng cũng phải phù hợp với từng đối tượng thì mới phát huy hiệu quả tích cực. 

Như tôi đã nói, những trường hợp lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên người ta chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”. Nghĩa là, nếu phương tiện, tang vật bị cơ quan chức năng tịch thu, họ chấp nhận bỏ chứ không tới nộp phạt để nhận lại vì số tiền phạt quá cao. Một thời gian sau, họ lại tiếp tục mua sắm phương tiện và lại ra vỉa hè, lòng đường để mua bán.

Theo tôi, để công tác này đạt hiệu quả tích cực nhất, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân tự giác chấp hành thì ngành chức năng cấp trên cần xem xét để đưa ra mức xử phạt hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, trường hợp vi phạm khác nhau.

  • Công Luận (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cô gái chuyên “nhầm” nhà  (23/03/2012)
Cần xử lý nghiêm để phòng ngừa hậu quả  (23/03/2012)
Tuần tra phát hiện kẻ gian  (22/03/2012)
Chặn xe “xin đểu”, lãnh án 5 năm tù  (21/03/2012)
Cảnh giác với tội phạm cướp giật trên đường  (21/03/2012)
12 năm 7 tháng tù cho nhóm cướp giật  (21/03/2012)
“Ngựa sắt” tung hoành  (21/03/2012)
Bị điện giật chết  (21/03/2012)
Xác chết bên bờ sông   (21/03/2012)
Số người chết do tai nạn giao thông ở Bình Định trong quý 1-2012 tăng  (21/03/2012)
Cưỡng chế 30 trường hợp xây dựng trái phép ở phường Đống Đa  (20/03/2012)
Phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên quốc lộ 1A  (20/03/2012)
Mượn xe đem đi thế chấp  (20/03/2012)
Chặn xe, “xin đểu”, lãnh án 5 năm tù  (20/03/2012)
Cần phân biệt ai là người có hành vi chiếm giữ nhà  (19/03/2012)