Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng phức tạp; các vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa có chiều hướng giảm. Tại tỉnh ta, những con số thống kê về số vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến nhiều người phải giật mình…
|
Để phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, công tác tuyên truyền phải được chú trọng.
- Trong ảnh: Truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên - thanh niên tại Trường THPT Tư thục Quy Nhơn. Ảnh: THU HIỀN
|
“Báo động đỏ”!
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 10 năm qua, tỉnh ta đã có trên 130 trẻ em bị xâm hại tình dục ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, riêng năm 2010, đã có 30 trường hợp. Hai tháng đầu năm nay, Bình Định xảy ra liên tiếp ba vụ xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Trên thực tế, các con số này sẽ còn lớn hơn bởi có nhiều vụ xảy ra nhưng do gia đình mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến con cái nên không trình báo các cơ quan chức năng.
Tìm hiểu các vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy, thủ phạm thuộc nhiều nhóm đối tượng, thành phần khác nhau trong xã hội. Nạn nhân của các vụ xâm hại nhiều khi còn rất nhỏ tuổi. Điển hình là vụ một em bé gái 5 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, bị xâm hại tình dục vào tối 25.2 vừa qua. Vụ việc khiến dư luận bất bình, bởi thủ phạm đã dụ dỗ một đứa bé đáng tuổi cháu nội mình để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn.
Trẻ em ngày càng phát triển sớm về sinh lý nhưng nhiều gia đình đã không quan tâm đúng mức đến sự thay đổi đồng thời về tâm lý của các em. Nhiều em gái bị xâm hại vì sớm lao vào “trò chơi tình ái”. Điển hình là vụ ba nữ sinh tuổi từ 14-15 của Trường THCS Canh Hiển (huyện Vân Canh) trốn học đi chơi cùng bạn trai suốt ba ngày liền trước khi được gia đình tìm thấy. Hậu quả của sự việc này là một trong ba em đã bị xâm hại tình dục bởi một đối tượng “bất hảo” ở xã Phước An, huyện Tuy Phước. Trò chuyện với cha mẹ các em, chúng tôi cũng phải giật mình vì thậm chí họ không biết con gái mình học lớp nào (?!).
Điều nhức nhối là thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mà đôi khi kẻ thủ ác lại chính là cha đẻ, là những người thân thiết, ruột thịt của nạn nhân. Như vụ tên Tạ Hữu Lục (sinh năm 1966, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn), hiếp dâm con gái riêng của vợ, bị bà ngoại của cháu phát hiện vào trưa 7.2. Người viết bài này cũng từng có cuộc trò chuyện với cha của thủ phạm trong một vụ hiếp dâm xôn xao dư luận xảy ra giữa năm 2011 ở huyện Phù Cát. Oái ăm thay, nạn nhân vụ này cũng chính là cháu nội của ông. Từ câu chuyện ngắt quãng nhiều lần của ông, tôi nhận ra nỗi đau đớn tột cùng khi phải chịu đựng nỗi nhục nhã từ hành động không còn tính người do chính con trai mình gây ra.
Chung tay ngăn chặn
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác không thể dung thứ, bởi không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, ám ảnh trẻ suốt đời mà còn ảnh hưởng đến luân thường đạo lý, những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng đã dấy lên mối lo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở nhiều địa phương.
Nguyên nhân của hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em là do đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật, sống buông thả, chịu ảnh hưởng của văn hóa, phim ảnh đồi trụy. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không có điều kiện hoặc không quan tâm trông nom con cái nên kẻ xấu có nhiều cơ hội để phạm tội. Mặt khác, công tác tuyên truyền Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế.
Mới đây, trong cuộc trao đổi về định hướng giải pháp cho Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 của tỉnh ta, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh đến yếu tố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, từng địa phương phải phát huy tính chủ động trong việc phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại.
Để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chống xâm hại, bạo hành trẻ em; trong đó, phải đặc biệt lưu tâm tới việc phòng ngừa tội phạm từ trong gia đình. Các hoạt động tuyên truyền phải thật sinh động, hướng đến trang bị cho các em kiến thức về tình yêu, sức khỏe sinh sản, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức xét xử công khai, lưu động các phiên tòa xâm hại trẻ em để nâng cao tác dụng răn đe, phòng ngừa. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện phát động phong trào quần chúng cảnh giác tố giác tội phạm, nhằm giảm thiểu những vụ án xâm hại trẻ em.
|