Đã 10 năm kể từ khi khu nhà tạm ở tổ 38, 39, khu vực 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, được đưa vào quy hoạch để triển khai dự án Khu dân cư A, đảo 1 Bắc sông Hà Thanh, đến nay, hơn 200 hộ dân nơi đây vẫn chưa biết đời sống của mình sẽ được định đoạt ra sao khi mà toàn bộ dự án này vẫn “treo” sau suốt một thời gian dài…
Những căn nhà ở khu nhà tạm thuộc tổ 38, 39, khu vực 7, phường Đống Đa, làm theo kiểu nhà rầm, cột gỗ đóng xuống dòng sông, trên lát ván, cách mặt nước chừng 1,5-2 m. Mỗi nhà chỉ có diện tích 20-30 m2 nhưng có 5-6 người ở.
|
Xóm nhà tạm ở tổ 38, 39 thuộc khu vực 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, đang gặp khó khăn bởi vướng dự án “treo”. |
Các hộ dân nơi đây đang sống trong cảnh ba không: Không đường dây điện thắp sáng, phải mắc nhờ điện; không nguồn nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh. Gần như tất cả rác thải sinh hoạt cùng “nhu cầu” vệ sinh của hàng trăm hộ dân đều thải trực tiếp ra sông Hà Thanh. Một người dân sống tại đây chia sẻ: “Phần do tập quán sinh hoạt, phần vì nằm trong khu quy hoạch không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, nên người dân vẫn phải xả, thải xuống dưới sàn nhà hay vứt rác xuống sông”.
Nhà cửa xuống cấp, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, môi trường sống bị ô nhiễm là điều mà bất kỳ ai đến khu vực này cũng nhận thấy. Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng đã nhiều lần thu dọn, làm sạch vệ sinh môi trường nhưng những hộp giấy, túi ni lông, cùng đủ loại rác thải sinh hoạt khác vẫn vương vãi, lên xuống theo nhịp thủy triều.
Dự án “treo” nên khi nhà bị hư hỏng, xuống cấp, cũ nát, người dân muốn sửa chữa, nâng cấp không được, vì cơ quan chức năng không cấp phép. Con cái lớn lên cưới vợ, gả chồng, tách hộ khẩu, cất nhà cho ra ở riêng cũng không được phép vì lý do tương tự.
Đơn cử, gia đình ông Đỗ Thanh Phong (tổ 38, khu vực 7) có 5 nhân khẩu nhưng giờ vẫn tá túc trong ngôi nhà rộng chưa đầy 30 m2, mái tôn, vách liếp. Dù những người trong gia đình phải chịu cảnh nóng như thiêu đốt vào mùa nắng; mưa dột, gió lạnh vào mùa mưa nhưng vì vướng quy hoạch nên không thể xây dựng hay sửa chữa. Ông Phong cho biết: “Ở đây, người dân ai cũng nơm nớp lo âu mỗi khi mưa lũ, nhất là khi lũ kết hợp triều cường. Sợ nhất là nước dâng lên nhanh vào ban đêm, chúng tôi không kịp trở tay, đành “bỏ của chạy lấy người”. Người dân ở đây ai cũng mong Nhà nước sớm thực hiện việc tái định cư để chúng tôi được an cư”.
|
Rác và nhiều vật dụng của người dân vứt bừa bãi khắp nơi. |
Không riêng gì gia đình ông Phong, hầu như tất cả các hộ dân ở khu vực này đều chung số phận bởi dự án “treo”. Cụ Huỳnh Văn Lưu, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn phải lọ mọ tát nước mỗi khi mùa mưa về nước tràn vào nhà. Cụ Phong buồn bã cho biết: “Chẳng biết đến bao giờ thân già này mới được sống trong một ngôi nhà đúng nghĩa”.
Ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: “Dự án chậm thực hiện không chỉ khiến người dân bức xúc mà còn gây khó cho địa phương trong việc giải thích lý do vì sao quy hoạch bị “treo” quá lâu. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị thành phố sớm thực hiện việc di dời những hộ dân nơi đây để người dân sớm ổn định cuộc sống”.
|