|
Cán bộ Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh luôn tận tụy với công việc. Ảnh: QUÝ HIỀN |
Ngày 27.3, Công an tỉnh tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng hồ sơ Công an nhân dân (27.3.1957-27.3.2012). Tại buổi gặp mặt, lực lượng hồ sơ Công an tỉnh đã cùng ôn lại những chặng đường đã qua, với bao công việc thầm lặng, góp phần lập nên những chiến công trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…
Tháng 7.1976, Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh được thành lập với biên chế gồm một số cán bộ, chiến sĩ hồ sơ do Bộ Công an tăng cường và những người đang quản lý, khai thác hồ sơ Công an tỉnh. Từ đó, lực lượng hồ sơ Công an tỉnh đã không ngừng được xây dựng, củng cố, từng bước trưởng thành. Từng cán bộ, chiến sĩ đều yêu ngành, yêu nghề; tận tụy, khách quan trong công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thống nhất công tác quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nghiệp vụ qua hồ sơ để phục vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ nội bộ.
Nhờ khai thác tốt giá trị hồ sơ, lực lượng hồ sơ đã cung cấp tài liệu kịp thời, chính xác phục vụ lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh đấu tranh bóc gỡ các kế hoạch phản gián mang tên “Thanh Bình”, “Đồ Bàn”, “Đại Nam”, “Phương Mai”, “Hải Triều”, “Trường Hải”, “Đức Long”... đưa ra ánh sáng số nội gián hoạt động bí mật trong các tổ chức cách mạng; đồng thời, làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch. Từ đó, kịp thời ngăn chặn, phá vỡ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam lâu dài theo kế hoạch hậu chiến của tình báo Mỹ, ngụy. Đáng chú ý, trong quá trình đấu tranh với các tổ chức phản động mệnh danh “Mặt trận cứu nguy dân tộc”, “Liên đoàn 18 biệt động quân”... do Huỳnh Long Sơn và một số tên phản động khác cầm đầu hình thành sau ngày giải phóng, tài liệu khai thác từ hồ sơ thu giữ của địch đã giúp các đơn vị chức năng triển khai, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa hiệu quả, phá án thành công, bảo toàn lực lượng.
Không chỉ thời gian sau ngày giải phóng, mà mới đây, qua tàng thư nghiệp vụ từ Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh cung cấp, Phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh đã truy bắt Lê Văn Dạn, một trong số đối tượng cầm đầu tổ chức phản động “Bảo Long phục quốc” sau hơn 33 năm lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam thay tên đổi họ, che giấu tung tích, đưa về Bình Định xét xử trước pháp luật.
Bên cạnh việc phục vụ các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, những năm qua, lực lượng hồ sơ Công an tỉnh đã khai thác, cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác bảo vệ nội bộ Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị của Đảng; đồng thời, giải oan cho hàng trăm đồng chí, đồng bào trung kiên, hết lòng vì cách mạng bị địch bôi đen nhằm thực hiện ý đồ thâm độc của chúng.
Hiện nay, công tác xác lập, đăng ký, quản lý hồ sơ từ tỉnh đến công an các địa phương được thực hiện đúng quy định và quy trình của Bộ Công an. Công tác hồ sơ chuyên ngành, tàng thư căn cước công dân, căn cước can phạm và những người vi phạm khác được xây dựng, quản lý, khai thác ngày càng khoa học. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác này đã rút ngắn nhiều về thời gian so với tra cứu bằng phương pháp thủ công. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lực lượng công an và quản lý nhà nước về trật tự xã hội của các cấp, các ngành chức năng. Đặc biệt, Trung tâm Thông tin tội phạm được đầu tư về con người, phương tiện kỹ thuật với phần mềm nhận dạng vân tay tự động, góp phần vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm cũng như điều tra, truy tố, xét xử kẻ phạm tội.
Với thành tích xuất sắc lập được từ ngày giải phóng đến nay, Phòng Hồ sơ - Công an tỉnh Bình Định đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh. Trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” hàng năm, đơn vị 13 năm liền đạt danh hiệu “Quyết thắng”, Chi bộ liên tục đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. |
|