Báo cáo tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về xử lý tố giác, tin báo tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2011, của liên ngành Công an - Viện KSND - TAND tỉnh cho thấy lượng tin báo, tố giác tội phạm chưa được xử lý còn tồn đọng khá lớn.
Theo báo cáo, năm 2011, cơ quan điều tra hai cấp đã thụ lý 1.709 tin báo, tố giác tội phạm. Trong đó, phân loại xử lý được 1.346 tin (đạt 78,8%), còn tồn 363 tin (cấp tỉnh tồn 12 tin, cấp huyện tồn 351 tin). Phân tích cho thấy, cấp tỉnh tồn chủ yếu là tin báo về tội phạm kinh tế; cấp huyện tồn chủ yếu tin báo tội phạm về trộm tài sản, cố ý gây thương tích và vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nhìn chung, số lượng tố giác, tin báo tội phạm của 11 đơn vị cấp huyện tồn đọng đến cuối kỳ báo cáo (30.11.2011) còn cao, chiếm tỉ lệ 26,1% so với tổng số tin báo đã thụ lý.
Qua phân tích số liệu tin báo tồn đọng cho thấy, nổi lên ba nhóm tin báo chiếm tỉ lệ cao là trộm cắp (tỉ lệ 36,5%), cố ý gây thương tích (23,4%), tai nạn giao thông (17%). Phân tích cụ thể hơn thì nhóm tội về trộm cắp chiếm tỉ lệ cao ở một số địa phương như: Hoài Nhơn (60%), An Nhơn (60%), Hoài Ân (51%) và Vân Canh (50%); nhóm tội về gây thương tích chiếm tỉ lệ cao ở các địa phương: Tuy Phước (71%), Phù Mỹ (48%), Quy Nhơn (38%); nhóm tội tai nạn giao thông tập trung ở Phù Cát (68%); Phù Mỹ (26%); Tây Sơn (23%)
Để giảm thiểu tỉ lệ tin báo, tố giác tội phạm tồn đọng, lãnh đạo liên ngành đã thống nhất đề ra một số giải pháp.
Theo đó, với cấp huyện, các cơ quan tiến hành tố tụng, trước hết là cơ quan điều tra và Viện KSND huyện cần tổ chức họp bàn, đưa ra hướng xử lý nhanh với các nhóm tin báo.
Đối với tin báo tai nạn giao thông có hậu quả chết người, cần tiến hành đánh giá chứng cứ, xác định lỗi để đưa ra một trong hai quyết định khởi tố hoặc không khởi tố; đối với nhóm tin báo cố ý gây thương tích, cơ quan cảnh sát điều tra cần ban hành Quyết định trưng cầu giám định với tất cả các trường hợp nghi can sử dụng hung khí tấn công nạn nhân hoặc tổ chức băng nhóm đánh nhau. Trường hợp nạn nhân bị thương tật 11% trở lên và thuộc các trường hợp thuộc quy định tại các điểm a đến k khoản 1 điều 104 Bộ luật Hình sự thì kiên quyết khởi tố (không cần có yêu cầu của người bị hại). Trong trường hợp dưới 11% mà bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì ra quyết định không khởi tố vụ án.
Đối với nhóm tin báo về trộm cắp, nếu xác định rõ đối tượng và giá trị tài sản thì ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố. Nếu có dấu hiệu của một đường dây thì cần họp bàn thành lập chuyên án.
Ở cấp tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức đến một số huyện “trọng điểm”: Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, TP Quy Nhơn để kiểm tra kết quả xử lý; đồng thời, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện bàn và đưa ra hướng xử lý.
Ngoài ra, cần yêu cầu các đơn vị cấp huyện hàng tháng phải đối chiếu chính xác số liệu về tin báo, tố giác tội phạm; phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí: số thụ lý, số xử lý (khởi tố, không khởi tố…), số tồn; đảm bảo số liệu của hai ngành Công an và Viện KSND trùng khớp.
|