Một số gia đình, khi người thân qua đời, đã không đến cơ quan thẩm quyền làm thủ tục đăng ký khai tử, dẫn đến khó giải quyết những rắc rối pháp lý về sau.
Đầu năm 2012, ông Đ.V.T. (trú ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) đến cơ quan bảo hiểm yêu cầu thanh toán tiền mai táng phí cho vợ ông (vợ chồng ông T. đều tham gia đóng bảo hiểm) vừa mới qua đời nhưng không được chấp nhận với lý do vợ ông không có giấy chứng tử. Cũng may, việc đăng ký khai tử không quá rườm rà nên sau đó, ông T. đã về địa phương hoàn tất các thủ tục và nhận khoản tiền do cơ quan bảo hiểm thanh toán.
Năm 1985, do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bà L. (trú ở TP Quy Nhơn) quyết định ly hôn chồng. Tuy nhiên, do vướng một số vấn đề nên việc ly hôn không được giải quyết dứt điểm. Vài năm sau, chồng bà L. vào miền Nam sinh sống và sau một thời gian thì qua đời. Đầu năm 2012, bà L. có nhu cầu vay vốn nên mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra ngân hàng thuế chấp. Tuy nhiên, ngân hàng không giải quyết vì bà L. không có giấy tờ chứng minh chồng đã chết trong khi cuộc hôn nhân giữa bà với chồng vẫn còn hiệu lực pháp luật.
UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì UBND cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử; bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử. (Trích Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch) |
Để được vay vốn, bà L. chỉ còn cách vào miền Nam - địa phương nơi chồng bà từng sống - để làm các thủ tục chứng tử cho chồng. Thế nhưng, việc làm này chẳng khác nào “mò kim đáy biển” bởi bà L. chỉ biết chồng vào Nam, còn ở địa phương nào thì lại hoàn toàn mù tịt.
Theo Nghị định 158/CP về đăng ký quản lý hộ tịch, thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử. Nếu người chết không có thân nhân thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết phải có trách nhiệm đi khai tử. Thế nhưng, trong thực tế, khá nhiều trường hợp khi người thân trong gia đình qua đời lại không đến cơ quan thẩm quyền “làm thủ tục cuối cùng”.
Luật sư Nguyễn Văn Triết, Văn phòng luật sư Triết và cộng sự, cho biết: “Hiện nay, dù pháp luật quy định rất rõ đăng ký khai tử là trách nhiệm của người còn sống nhưng không phải ai cũng làm, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Nhẹ thì phải mất thời gian làm lại thủ tục khai tử quá hạn; nặng thì không được hưởng tài sản thừa kế hay không thể làm một số chế độ, thủ tục”.
Theo một cán bộ đang công tác tại Sở Tư pháp: Nghị định 158/CP quy định, nếu không đăng ký khai tử trong vòng 15 ngày thì được đăng ký quá hạn và người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử cho người chết sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng. Quan trọng hơn, việc “quên” khai tử không chỉ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
|