Hội trường của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) hôm ấy trở thành “công đường” xét xử 6 trại viên nghiện ma túy về tội “Cố ý gây thương tích”…
Người cầm đầu, chủ mưu trong vụ 6 học viên đánh “hội đồng” nhân viên của Trung tâm là Trần Văn Dương. Dương 30 tuổi, nhà ở phường Bùi Thị Xuân. “Cho đến khi nó bị bắt lần đầu cùng với hai đứa bạn khác về tội tiêm chích ma túy thì tôi mới biết. Năm ngoái, nó bảo tôi, con lại nghiện nữa rồi mẹ ạ, để con xin đi cai nghiện. Gia đình mừng lắm, tưởng con biết hối cải. Nào ngờ, vào đây nó lại gây sự, đánh cán bộ Trung tâm”- mẹ của Dương chấm nước mắt, sụt sùi.
|
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử lưu động tại Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội tỉnh. Ảnh: H.LAN |
Đêm 16.12.2011, trong lúc trại viên khác đang xem ti vi, Dương mượn điện thoại gọi người quen nhờ mua thuốc ho (loại gây ảo giác) và ném vào khu vực vườn rau, nhà vệ sinh khu vực 2A của Trung tâm, để Dương và các học viên khác lấy sử dụng. Lợi dụng lúc đi vệ sinh, Dương rủ các học viên khác ra vườn kiếm thuốc. Khi hai anh Dũng và Trọng - nhân viên Trung tâm - biết được sự việc, yêu cầu mọi người về phòng. Dương và 5 trại viên khác không những không chấp hành, mà còn lao vào đánh “hội đồng” hai nhân viên này. Kết quả, anh Dũng sức khỏe bị tổn hại 24%, anh Trọng bị 8%.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận, bởi cơn thèm thuốc đã khiến họ mất hết lý trí nên khi bị ngăn cản không cho kiếm thuốc thỏa mãn cơn nghiện, họ đã xông vào đánh người, rồi trốn khỏi Trung tâm. Có người đã lên Trung tâm lần hai, lần ba để cai nghiện, mong đoạn tuyệt hẳn với ma túy, nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy.
Trần Văn Dương, Nguyễn Cao Trí, Phùng Ngọc Cậy đã có vợ con; nhưng Dương đã bị vợ bỏ. Còn Cậy, đứa con thứ hai của y được sinh ra trong lúc y vẫn còn ở Trung tâm để cai nghiện. Người vợ của Trí, đang chăm chú dõi theo phiên tòa, cho biết vợ chồng họ có một con nhỏ. Trí nghiện heroin từ năm 2010, vào Trung tâm mới một thời gian…
Chắc hẳn, khi bước chân vào Trung tâm, cả người nghiện và người thân của họ đều mong rằng, khi bước ra khỏi đây, họ có thể đoạn tuyệt với ma túy. Thế nhưng, nhiều người đã không thể thoát khỏi vòng vây của nỗi “ám ảnh trắng”. Nhiều học viên, bằng cách này hay cách khác, vẫn gọi điện nhờ bè bạn, người thân “tiếp thuốc” gây nghiện bằng nhiều cách, nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí nổi loạn theo cách mà 6 bị cáo trên đã thực hiện. Bản án tổng cộng hơn 10 năm tù dành cho 6 bị cáo mà Hội đồng Xét xử TAND TP Quy Nhơn tuyên phạt âu là cái giá mà họ phải trả.
|