Mới đây, Công an (CA) tỉnh đã thiết lập 2 đường dây nóng để người dân phản ánh, cung cấp thông tin các đối tượng có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện (XĐĐ) nhằm hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian đến. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc CA tỉnh, Phó Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về vấn đề này.
|
Cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, lấy kết quả xử lý vi phạm để tuyên truyền.
- Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Bình Định tham gia Hội thi lái xe an toàn do trường tổ chức. |
* Thưa ông, xin ông cho biết mục đích CA tỉnh thiết lập 2 đường dây nóng để cán bộ, nhân dân phản ánh, cung cấp thông tin các đối tượng có hành vi vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh cho lực lượng CA ?
- Phải nói rằng, trong quý I năm 2012, các ngành chức năng đã thực hiện quyết liệt nhiệm vụ đảm bảo ATGT, nhưng so với cùng kỳ năm 2011 thì chúng ta chỉ mới đạt được hai tiêu chí: giảm số vụ (153 vụ) và số người bị thương (giảm 277 người), số người chết lại không tăng không giảm.
Do vậy, để phấn đấu thực hiện giảm 5-10% số vụ TNGT trên cả 3 tiêu chí, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn khác, Giám đốc CA tỉnh đã quyết định thiết lập 2 đường dây nóng (số điện thoại 056. 3822863, 056.3824546) để mọi người có thể phản ánh, cung cấp thông tin các đối tượng có hành vi vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh cho lực lượng CA biết để xử lý. Đồng thời, thông qua đường dây nóng này, người dân cũng có thể phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, sai trái của cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ, để Giám đốc CA tỉnh kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh những hành vi vi phạm. Hơn nữa, việc bảo đảm ATGT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, song hình như lâu nay người dân vẫn chưa tích cực phát huy vai trò ý thức, trách nhiệm của mình trong việc này. Tôi cho rằng đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nếu người dân thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, góp phần đảm bảo ATGT. Người dân hãy điện báo về đường dây nóng các trường hợp vi phạm ATGT.
* Thống kê 3 tháng đầu năm cho thấy TNGT từ nghiêm trọng trở lên do người điều khiển mô tô xảy ra 44 vụ (chiếm 62%) làm chết 46 người (chiếm 62%), bị thương 35 người (chiếm 99%). So với cùng kỳ năm 2011 tăng 12 vụ, tăng 10 người chết và 20 người bị thương. CA tỉnh đã ban hành những kế hoạch gì để giảm thiểu tình trạng trên, thưa ông?
“Đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc CA tỉnh, Phó Ban ATGT tỉnh: Mọi người dân có thể phản ánh, cung cấp thông tin về các đối tượng có hành vi vi phạm TTATGT; phát hiện hành vi nhũng nhiễu, sai trái, tiêu cực của cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ về đường dây nóng
(số điện thoại 056. 3822863, 056.3824546)” |
- Ngoài các biện pháp tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, CA tỉnh đã đề ra những biện pháp giảm thiểu TNGT do xe gắn máy, mô tô và XĐĐ gây ra. Mới đây nhất, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý mô tô, xe gắn máy, XĐĐ vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh, tập trung kiểm tra, xử lý mô tô, xe gắn máy có phân khối lớn đã bị thay đổi thiết kế về hình dáng, kích thước, không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật... và đối tượng tập trung xử lý sẽ là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên.
Bắt đầu từ ngày 20.4 đến ngày 15.5, CA các đơn vị, địa phương lập danh sách các đối tượng thường xuyên có hành vi vi phạm TTATGT gửi CA tỉnh trước ngày 25.5; đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục cá biệt số đối tượng này, buộc phải viết bản cam đoan không vi phạm.
* Được biết, biện pháp “ghi hình, xử lý nguội” sau một thời gian thí điểm đã được áp dụng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn... Ông đánh giá như thế nào về biện pháp này?
- Biện pháp này đến nay đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tôi cho rằng đây là biện pháp lấy kết quả xử lý vi phạm để tuyên truyền khá hữu hiệu, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh sinh viên. Người vi phạm đã phải “tâm phục khẩu phục” nhận lỗi. Họ được xem lại hành vi vi phạm của mình trước khi chấp nhận ký vào biên bản.
Chỉ tính riêng việc ghi hình, xử phạt vào ban đêm tại TP Quy Nhơn từ ngày 23.3 đến ngày 18.4, Cảnh sát giao thông đã ghi hình được 601 trường hợp vi phạm, chủ yếu là thanh thiếu niên vi phạm các lỗi không đội mũ bảo hiểm, chở quá người, lạng lách, đánh võng... Đến nay, có 136 trường hợp đã được thông báo đến xử lý, và 50 trường hợp đã tự nguyện đến lập biên bản; còn 10 trường hợp xe đã bán sang tay đang được tiếp tục xác minh, 2 trường hợp mang biển số giả, 1 trường hợp lạng lách đánh võng. Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ban đêm cho biết, có trường hợp sau khi bị ghi hình, xử phạt, thì người này luôn tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm khi ra đường.
* Xin cảm ơn ông!
|