Lấy chồng, sinh con, trọn đời gắn bó với gia đình nhà chồng là mong muốn của không ít phụ nữ. Thế nhưng, rủi thay khi chồng đột ngột qua đời hoặc buộc phải ly hôn, nhiều phụ nữ phải rời nhà chồng với nguy cơ tay trắng…
1.
Cách đây hơn một tháng, khi gặp chúng tôi, chị T.T, 39 tuổi, ngụ ở phường Đống Đa, tỏ ra khá bức xúc trước việc bị bố mẹ chồng dọa đuổi ra khỏi nhà: “Trước ngày xả tang chồng tôi, ba chồng nói cần sang sửa nhà để bán nên đề nghị mẹ con tôi dọn nhà ra ngoài ở, hứa sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà. Nhưng chỉ một ngày sau, ba đã chở hết đồ đạc, cả bàn thờ của chồng tôi vào miền Nam và nói tôi nhanh chóng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Nếu thuận theo ý ba mẹ chồng, sợ rằng mẹ con tôi không còn nơi tá túc nữa…”.
Ngôi nhà chị đang ở là do bố mẹ chồng mua, bỏ tiền ra xây cất. Vợ chồng chị cũng đóng góp một ít công của. Bố mẹ chồng cũng đã hứa miệng sau này sẽ cho vợ chồng chị. Chẳng may, chồng chị T. ngã bệnh nặng, mất cách đây 2 năm. Giờ, bố mẹ chồng muốn lấy lại ngôi nhà để bán. Chắc hẳn trong sâu xa, họ sợ rằng con dâu sẽ đi thêm bước nữa. Lúc đó, ngôi nhà do họ tạo dựng sẽ bị “đổi chủ”. Về lý, họ có toàn quyền định đoạt ngôi nhà; lo ngại của họ có thể thông cảm được. Song về tình, dẫu gì chị T. cũng đã gắn bó trong gia đình nhiều năm, lại sinh con đẻ cái cho nhà chồng. Sợ phải ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, trong khi bản thân không nghề nghiệp ổn định, chị T. đành nhờ can thiệp. Mâu thuẫn giữa họ đã được nhờ khu vực, rồi lên phường giải quyết. Cuối cùng, bố mẹ chồng đã đồng ý cho chị T. mấy trăm triệu đồng. Đổi lại, chị T. phải dọn ra khỏi nhà.
2.
Kết cục của chị T. được coi là có hậu, vì dù sao chị cũng được bố mẹ chồng chia cho một ít tài sản để tạo dựng cuộc sống mới. Còn trong thực tế, có những người vợ bị gia đình chồng “mời” ra khỏi nhà một cách lạnh lùng, tàn nhẫn hơn nhiều. Trường hợp của chị T.S, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn là một điển hình. Sau khi chồng chị chết, viện lý do nhà chật; vợ chồng chị lại không có con trai nên phải nhường nhà cho đứa em trai thừa tự, bố mẹ chồng đã đuổi ba mẹ con chị ra khỏi nhà. Cực chẳng đã, ba mẹ con chị dắt díu nhau về nhà mẹ đẻ. “Nhà mẹ tôi vừa chật vừa đông người; lại thêm nỗi chị em dâu ra vào “đá thúng đụng nia” vì cho rằng mẹ con tôi chiếm chỗ của họ. Khổ vậy, nhưng cũng phải cố mà sống chứ biết đi đâu bây giờ…”- chị S. than thở.
Năm ngoái, trong phiên tòa xử vụ án vợ giết chồng cũ ở huyện An Nhơn, người dự khán không khỏi mủi lòng trước hoàn cảnh khá éo le của bị cáo C.T.H.H. Sau 20 năm chung sống, khi ly hôn, chị H. không hề được chia một chút tài sản nào trong khối tài sản chung của vợ chồng, vì người chồng đã đặt điều kiện “muốn ly hôn thì không được đòi chia tài sản”. Muốn nhanh thoát khỏi người chồng trăng hoa, vũ phu nên chị ta đã đồng ý. “Khi xem tất cả hồ sơ của bị cáo tôi thấy hoàn cảnh của bị cáo có phần đáng thương. Tài sản chung của vợ chồng cũng có đấy, song chị ta lại chẳng được chia cái gì, phải về nhà mẹ đẻ tá túc. Đây cũng là một trong những tình tiết được xem xét để giảm nhẹ một phần tội trạng của chị ta…”-vị kiểm sát viên thụ lý vụ án đã cho biết vậy.
3.
Một hội thẩm nhân dân kinh nghiệm nhiều năm trong xét xử án dân sự ở TAND TP Quy Nhơn cho biết, có khá nhiều trường hợp phụ nữ, sau khi về làm dâu, góp sức cùng chồng, gia đình nhà chồng tạo dựng, vun vén tài sản. Nhưng khi “sự cố” xảy ra (chồng chết hoặc ly hôn) họ phải chịu thiệt thòi, thậm chí trắng tay khi rời nhà chồng. Điển hình nhất là trường hợp, cha mẹ chồng cho miếng đất hoặc nhà cho vợ chồng con trai để làm ăn sinh sống. Thế nhưng, khi vợ chồng con trai phát sinh mâu thuẫn, để bảo vệ quyền lợi của gia đình, cha mẹ chồng thường đòi lại đất, nhà hoặc tuyên bố chỉ cho tài sản người con trai. Như vậy, sau bao năm đóng góp công sức, người vợ phải chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng. Nếu người vợ có đóng góp công sức trong việc tu sửa, tôn tạo nhà cửa thì phải chứng minh được điều đó trước tòa án. Để chứng minh được điều này, cũng không hề dễ dàng gì.
Cá biệt, cũng có gia đình nhà chồng đạo đức, thừa nhận công sức đóng góp của con dâu và để các con tự thỏa thuận chia tài sản chung; hoặc thối lại tiền cho con dâu một phần. “Tuy nhiên, trường hợp như thế rất hãn hữu…”- vị hội thẩm này nói.
|