Tranh chấp hợp đồng vay tài sản:
Biết luật để hạn chế rủi ro
7:15', 6/5/ 2012 (GMT+7)

Vài năm gần đây, án dân sự trong tranh chấp hợp đồng vay tài sản (HĐVTS) có chiều hướng tăng. Nhiều trường hợp tranh chấp gay gắt phải nhờ đến tòa phân xử, nhưng không ít người phải chịu thiệt thòi vì thiếu hiểu biết về pháp luật…

Rắc rối tranh chấp HĐVTS

Năm 2011 xảy ra nhiều vụ vỡ nợ liên tiếp tại TP Quy Nhơn nói riêng và cả tỉnh nói chung; do đó, tranh chấp dân sự diễn biến hết sức phức tạp. Đáng chú ý là tình hình chiếm dụng vốn của người khác rồi cho vay với lãi suất cao hơn, nhưng con nợ lại bỏ trốn gây hiện tượng vỡ nợ dây chuyền. Có trường hợp lợi dụng quen biết để vay mượn tiền rồi chây ỳ không trả, dẫn đến tranh chấp phát sinh tại tòa.

Từ tháng 4 đến tháng 9.2011, TAND TP Quy Nhơn đã thụ lý 122 vụ tranh chấp HĐVTS, giải quyết được 106 vụ. Trong đó, nhiều vụ tranh chấp lớn với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Từ tháng 10.2011 đến tháng 3.2012, trong 261 vụ án dân sự mà TAND TP Quy Nhơn thụ lý, tranh chấp HĐVTS đã chiếm đến 123 vụ. Đến nay, có 77/123 vụ đã được giải quyết. Phó Chánh án TAND TP Quy Nhơn phụ trách Dân sự nhận định: “Thông thường giữa hai bên (người cho vay - người vay) tin tưởng nhau, chỉ ghi nợ bằng giấy viết tay sơ sài, nên một khi xảy ra tranh chấp tại tòa, khả năng đưa ra chứng cứ, chứng minh rất hạn chế…”.

Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng…”. Tuy nhiên, để “lách luật”, trong HĐVTS, người cho vay cố tình “lờ” đi, không ghi lãi suất tiền vay, hoặc nếu có ghi thì cũng thấp hoặc ngang với mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, lãi suất thực tế mà người vay phải trả cao hơn nhiều, thậm chí có thể lên đến 5-6%/tháng.

Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất:

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng  lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Bà Hồ Tuấn Anh, Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh, cho biết, không ít trường hợp dù đã trả lãi vay cho người cho vay, thậm chí số tiền trả lãi có thể gần bằng số tiền đã vay, nhưng khi xảy ra tranh chấp tại tòa, người vay lại không chứng minh được số tiền lãi mình đã trả là bao nhiêu, đành chịu thiệt. “Thực tế, có trường hợp phải trả lãi hai lần: Một lần đã trả thực tế và một lần phải trả lãi theo quyết định phân xử của tòa. Dù tòa có biết là người vay phải trả lãi hai lần, nhưng nếu họ không đưa ra chứng cứ chứng minh, thì chuyện thua thiệt là khó tránh khỏi. Các quyết định phân xử của tòa đều phải căn cứ vào tài liệu do các bên cung cấp để xét xử…”- bà Anh nói thêm. Theo thống kê của TAND tỉnh, quý I năm 2012, toàn ngành đã thụ lý 376 vụ án tranh chấp HĐVTS, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2011.

Biết luật để tránh

Việc vay mượn tiền bạc trong làm ăn, kinh doanh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, làm thế nào để hạn chế được những rủi ro trong HĐVTS? Về vấn đề này, một thẩm phán phụ trách án Dân sự khuyên, hai bên (người vay - người cho vay) cần xác định việc cho vay rõ ràng, có biện pháp bảo đảm lập thành văn bản để thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được chứng thực, công chứng, đăng ký. Khi cho vay, hai bên phải thiết lập sổ sách, giấy tờ chứng minh; đơn giản nhất là khi trả lãi vay, người vay đề nghị người cho vay ký xác nhận, ghi rõ thời gian đã nhận tiền lãi.

Vị thẩm phán này cũng cho biết thêm là hiện đang giải quyết một vụ tranh chấp HĐVTS mà người vay chỉ vay 300 triệu đồng năm 2007, nhưng cộng dồn lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền phải trả lên đến 800 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ lưu giữ được những giấy tờ ký nhận của người cho vay trong những lần nhận tiền lãi mà người vay chứng minh được số tiền lãi cộng dồn mà mình đã trả thời gian qua. 

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm thấy thi thể hai anh em ruột bị lật xuồng  (05/05/2012)
Mô tô rơi xuống mương, 1 người chết  (04/05/2012)
3 người chết đuối  (04/05/2012)
Kẻ trộm đội lốt khách mua hàng  (03/05/2012)
Tóm được tên trộm lớn chỉ sau 12 giờ  (03/05/2012)
Bắt khẩn cấp đối tượng trộm tài sản  (03/05/2012)
Xã Tây Bình với công tác hòa giải ở cơ sở  (02/05/2012)
Cần tiếp tục đổi mới để tăng hiệu quả  (02/05/2012)
Xe khách nội tỉnh “bán” khách!  (02/05/2012)
Một người chết chưa rõ tung tích  (02/05/2012)
Bảo hiểm cháy nổ cho xe máy với mức phí từ 10.000 đồng  (01/05/2012)
Đòi nợ bằng mã tấu  (29/04/2012)
Tuy Phước: Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tội phạm  (29/04/2012)
Xe chở vỏ bia lật vào quán cà phê  (29/04/2012)
Số phận làm dâu…  (28/04/2012)