Thời gian qua, nạn cò xe, bắt chẹt khách và mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã và đang hoành hành cả ngày lẫn đêm ở khu vực cầu Gành (hay còn gọi là cầu Bà Di) nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Vì vậy, khu vực này đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều hành khách, nhà xe mỗi khi dừng chân ở đây.
|
Xe khách vô tư đón trả khách ngay tại ngã tư đèn tín hiệu giao thông khu vực cầu Gành.
|
Từ nạn cò xe, bắt chẹt khách
Ngã tư cầu Gành là nút giao nhau giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 19, thuộc điểm giáp ranh giữa xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn). Hàng ngày, khu vực này có hàng ngàn lượt phương tiện tham gia giao thông qua lại nơi đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn cò xe chụp giật, chèo kéo bắt khách diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm ở khu vực cầu Gành. Để đón được khách ở khu vực này, mỗi nhà xe phải mất ít nhất 30.000 đồng cho cò xe. Nếu nhà xe nào bắt được khách ở khu vực cầu Gành mà không “chấp hành” nộp khoản “lệ phí” cho cò thì lập tức lãnh “hậu quả”. Nhóm cò xe sẽ “cảnh cáo” bằng cách đập vỡ kính, cào sơn xe; nhà xe nào phản ứng lại, lập tức sẽ bị nhóm cò hoạt động ở đây cho “ăn đòn”.
Trong vai hành khách đón xe đi Đắk Lắk, chiều 3.5 vừa qua, chúng tôi có mặt tại ngã tư cầu Gành. Vừa xuống xe buýt, một thanh niên trẻ tuổi, mặt mày bặm trợn chạy đến hỏi: “Anh chị đi đâu?”. “Đi Đắk Lắk” - tôi đáp. Vừa nói dứt câu, cò liền nắm tay áo kéo chúng tôi lại chỗ một nhóm người đứng chờ đón xe lên các tỉnh Tây Nguyên ở gần đó. Tôi phản ứng: “Tôi muốn đi kiểu gì kệ tôi, anh là ai mà dám kéo tay tôi đi vậy?”. Thấy tôi phản ứng, cò lập tức quát: “Đ.M! Thằng này láo! Mày muốn về quê hay vào bệnh viện?”. Trước thái độ hung hãn của cò xe, chúng tôi đành im lặng đi theo hắn.
Chỉ sau chừng vài phút “chờ xe”, chúng tôi ai cũng thấy mệt rã rời. Mệt không chỉ vì cái nắng oi bức của mùa hè, lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc, mà còn phải chứng kiến những cảnh chèo kéo, bắt nạt, cả những cảnh cãi vã, xô xát đang diễn ra nơi đây. Sau chừng nửa giờ đứng đợi xe, cả nhóm chúng tôi bị cò “áp tải” lên một chiếc xe khách chạy tuyến Vinh - Đắk Lắk. Một thanh niên trong nhóm chúng tôi thấy xe chật cứng khách, tỏ ý không muốn đi, liền bị cò giơ nắm đấm lên dọa: “Mày có chịu lên xe không thì nói”. Sợ bị đánh, người thanh niên đó đành bước lên xe.
Sau khi đã đẩy hết nhóm khách lên xe, cò chạy qua phụ xe nhận một xấp tiền. Xe vừa chạy qua khỏi đường ray xe lửa trong khu vực cầu Gành, phụ xe nói: “Mỗi lần cánh xe khách tụi tôi đi qua khu vực này, muốn bắt được khách thì phải chi tiền cho bọn cò ở đây. Nhà xe nào không chi tiền thì chúng kiếm chuyện gây sự ngay. Do vậy, mỗi lần qua đây chúng tôi đành phải chi tiền cho chúng”.
|
Người đón xe bị cò “dồn” vào một chỗ để chờ xe.
|
Đến tình trạng xe dù, bến cóc
Ngoài chuyện cò xe lộng hành, khu vực cầu Gành còn diễn ra tình trạng xe dù, bến cóc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng thời gian từ 5 giờ 30 đến 8 giờ 30 và từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày, lượng xe khách chạy các tuyến từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đi Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk... và ngược lại lưu thông qua khu vực này khá đông đúc. Những chiếc xe khách này vô tư dừng đón trả khách và giao nhận hàng ngay trong ngã tư đèn tín hiệu giao thông khu vực cầu Gành.
Ngoài ra, ở khu vực cầu Gành còn có nhiều xe khách đời cũ, loại 16 chỗ ngồi, được những người sinh sống ở đây dùng để đón khách vãng lai. Dù trên xe để biển chạy Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, nhưng thực chất, những chiếc xe này chỉ nhận khách, sau đó “bán” khách lại cho những xe khách khác ngay sau khi xe “xuất bến” chưa được một cây số. Chỉ có vài chiếc xe dù hoạt động trá hình như vậy, nhưng do các xe này liên tục quần đảo, đậu đỗ sai quy định, tạo nên cảnh hỗn loạn về TTATGT trong khu vực cầu Gành.
Tình trạng xe khách quần đảo, đón trả khách sai quy định tại khu vực cầu Gành chỉ tạm lắng khi ngành chức năng tuần tra, kiểm soát. Khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng trên lại tái diễn.
Thiếu tá Ngô Cự Vinh, Phó Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp về tình hình TTATGT ở khu vực cầu Gành, thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền và tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về TTATGT ở khu vực này. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã xử lý 54 trường hợp ô tô dừng đỗ không đúng quy định ở khu vực cầu Gành. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để xử lý dứt điểm tình trạng mất TTATGT ở ngã tư cầu Gành, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, xử lý vi phạm về TTATGT ở khu vực này”.
|