Phiên tòa được xử kín. Ngoài hội đồng xét xử, chỉ có bị cáo và hai bà cháu. Nạn nhân là cháu bé 7 tuổi…
Ngoại ơi đừng khóc!
Trong phiên tòa vắng lặng hôm ấy, bà H. lần đầu tiên đứng trước công đường, tủi phận cho đứa cháu mồ côi tội nghiệp, đã không cầm được nước mắt. Bé Tí (*) ngước đôi mắt tròn xoe, động viên bà: “Ngoại ơi, đừng khóc. Con không sao đâu mà ngoại”.
Bé sinh năm 2005, đang học lớp một. Nhà chỉ có bé, đứa em trai 4 tuổi và bà ngoại. Chiều hôm ấy, bà ngoại dẫn em ra trước chơi, còn bé ở nhà. Thấy ông T. đứng ở trong nhà, gọi “qua đây ông cho bánh” nên bé mới bỏ cửa mà chạy qua. Bình thường, bé rất ít khi qua lại nhà bên ấy, nhưng trẻ con nào mà lại không thích bánh kẹo. Lợi dụng sự non nớt yếu đuối của bé, kẻ đáng tuổi gọi làm ông ấy đã sờ soạng khắp người bé...
Bị cáo ở tuổi gần 50, đứng trước tòa khai lạnh lùng, vô cảm: “Con bé vẫn hay qua nhà bị cáo chơi. Hôm ấy nhà bị cáo có bánh, bị cáo lên gác lấy bánh thì bé chạy lên theo. Bất chợt bị cáo nảy sinh dục vọng…”.
Bé đứng trước tòa, lễ phép “dạ, thưa” với Hội đồng xét xử, khiến người lớn không khỏi động lòng. Bé non nớt thế kia mà phải kể lại sự việc quá đau lòng. Những câu trả lời như cứa vào lòng người nghe. Ở bên ngoài, hai mẹ nuôi của bé không khỏi sụt sùi: “Sao mà con bé bất hạnh quá vậy không biết. Nó rất khôn lanh, lễ phép với mọi người”.
Nỗi đau chất chồng
Trong Giấy khai sinh của Tí, phần họ và tên cha để trống. Ba mẹ của bé lấy nhau trước nhưng chưa làm hôn thú. Bé được 4 tháng thì người cha bỏ đi. Giận người chồng bất nghĩa, mẹ bé, chị T. đã quyết định đặt tên con theo họ mẹ. Đến khi bé tròn một tuổi, thì người cha vô trách nhiệm lại mò về. Để con có cha mẹ, chị T. đồng ý chung sống lại với chồng. Đến khi biết vợ mình có thai lần nữa, người chồng lại lẳng lặng rời nhà, không một lần trở lại. Tháng 3.2007, chị T. sinh thêm đứa con trai kháu khỉnh. Nhưng chưa đầy tháng sau, khắp người chị bắt đầu nổi hạch. Bé khi ấy mới hơn 2 tuổi, đứa em trai mới 7 tháng tuổi được bà và mẹ đùm túm, hết mang theo vào Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, lại tìm đến nhà chùa để chữa bệnh. Tháng 9.2008, chị T. lìa đời, để lại hai đứa con nhỏ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi cho bà H.
Bởi nợ nần, bà H. đã bán ngôi nhà cũ, mua lại căn nhà mới ở phường Nhơn Phú, Quy Nhơn. Nào ngờ, tên hàng xóm sát vách kia lại là kẻ đồi bại, không còn tính người…
Ngôi nhà của Tí nằm sâu trong một xóm nhỏ. Trưa chúng tôi đến, hai chị em bé đang ở nhà chơi tha thẩn với nhau. Chị xếp hình ngôi nhà; đứa em trai ngồi bên cạnh. Thấy khách vào, bé đon đả đi lấy nước, bật quạt mát, mời như người lớn. “Con đã thi hết học kỳ hai rồi, con làm được bài. Bài nào cô cho về con cũng học hết đó mẹ ơi”- bé khoe.
Trong con mắt của bé, ai cũng có thể là mẹ, là ba vì như bé khoe “con có rất nhiều ba mẹ. Ba mẹ nào cũng thương con hết”. Bé được Chi đoàn Ban Quản lý các KKT tỉnh nhận đỡ đầu, còn em của bé thì được Chi đoàn Sở LĐ-TB&XH nhận đỡ đầu. “Chúng tôi nhận đỡ đầu cho một bé từ năm 2007. Có tháng chúng tôi hỗ trợ cho bé một vài trăm ngàn đồng, tháng có nhiều thì chi nhiều hơn, nhưng có tháng cũng chẳng có gì. Hỗ trợ về mặt tinh thần vẫn là chính”- Bí thư Chi đoàn Sở LĐ-TB&XH cho biết.
* TAND TP Quy Nhơn đã tuyên phạt N.Q.T, gã hàng xóm táng tận lương tâm, 9 tháng tù giam về tội “Dâm ô với trẻ em”.
* Vì lý do tế nhị, chúng tôi không nêu tên, tuổi, địa chỉ thật của cháu bé bị xâm hại. Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ cho bé Tí xin liên hệ theo địa chỉ: Báo Bình Định, 84 Phạm Hùng, Quy Nhơn, hoặc theo số điện thoại 056.3813573. |
Có người đã khuyên bà H. nên gởi chị em Tí vào làng SOS để được chăm sóc, học hành tốt hơn. “Tôi không đành lòng cô ơi. Tôi sống chỉ có hai đứa nó mà thôi. Tối thằng em nó vẫn ngủ với tôi, nỡ lòng nào mà xa nó được. Bà cháu rau cháo nuôi nhau được đến đâu hay đến đó…”- bà H. sụt sùi.
Hiện nay, mỗi tháng bà H. nhận được 720 ngàn đồng từ tiền hỗ trợ trẻ mồ côi của hai cháu, cộng với số tiền mình kiếm được, khó khăn lắm bà cháu mới đủ đắp đổi qua ngày. Nhưng như bà H. nói, nỗi lo về cái ăn, cái mặc không bằng nỗi lo mai này khi kẻ hàng xóm đồi bại kia mãn hạn tù. Hàng xóm ra đụng vào chạm, mà bé còn quá nhỏ bé, yếu ớt. Sau khi “sự cố” xảy ra, bé rất ngại gặp người lạ.
Mới đây, bà H. đã vay 30 triệu đồng từ tiêu chuẩn hộ nghèo để xây tường bao quanh căn nhà, ngăn cách hẳn với nhà của kẻ hàng xóm đồi bại. Tường cao đã xây lên. Nhưng, nhìn vào đôi mắt trong veo như hai hòn bi ve của bé, tôi tự hỏi, tường ngăn nào xây kín nỗi ám ảnh vô hình theo suốt tuổi thơ của cô bé bất hạnh này?
|