Việc khai thác đá tại núi Hòn Vồ, thuộc thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước đã gây hại cho tài nguyên, môi trường. Chuyện diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương không ngăn cản được.
Có mặt tại núi Hòn Vồ, trước mắt tôi, treo ở lưng chừng núi là những khối đá to, bị chẻ nham nhở, phía dưới chân núi không xa là nhà dân. Núi Hòn Vồ bị xẻ ngang, rọc dọc với những đường mòn lên núi. Đây là đường để những chiếc xe độ chế lên xuống vận chuyển đá khai thác. Và chỉ loại xe đã bị cấm lưu hành này mới bò được trên những con đường vừa gập ghềnh, vừa có độ dốc cao như thế.
|
Nhiều thợ chẻ đá đang làm việc trong khi bên trên có nhiều tảng đá lớn chênh vênh, nguy hiểm đang rình rập ở núi Hòn Vồ. |
Sau 15 phút leo núi, chúng tôi đến được một bãi khai thác đá chẻ trái phép. Thỉnh thoảng, lại có vài tiếng lộc cộc của những viên đá chẻ mới được đẽo xong được thợ đá lăn vào đống đá chẻ to tướng bên dưới.
Việc khai thác đá ở đây đã bị cấm nhưng các thợ chẻ đá xem đó là chuyện bình thường. Một số thợ đá thừa nhận, mấy ông cán bộ xã cấm nhưng tụi tui vẫn làm bình thường từ bao năm nay. “Xung quanh khu vực núi Hòn Vồ có biết bao người khai thác như thế. Lâu lâu chính quyền cũng kiểm tra, nhưng có tin báo là giải tán ngay, thành thử cũng không sao cả!”.
Đúng như lời người thợ đục đá, ở khu vực núi Hòn Vồ, khi tôi đến có hàng chục điểm khai thác lớn nhỏ đang hoạt động nhộn nhịp. Tại các điểm khai thác, đá chẻ được chất thành từng đống đợi xe đến chở đi.
Chúng tôi vừa đi làm tư liệu trên hòn núi này, vừa e ngại, lo sợ bởi đa phần các vị trí khai thác đều được moi sâu theo dạng hàm ếch vào vách núi hoặc xả thẳng đứng. Nếu gặp mưa lớn, nguy cơ đất đá phía trên bị sập xuống rất dễ dàng. Và đáng sợ hơn, kiểu khai thác này khiến núi đá có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Tôi nhìn xuống xóm nhà dưới chân núi mà thấy lo thay cho họ.
Ông Hoàng Duy Đông - một thợ chẻ đá ở xã Phước An, có hơn 27 năm thâm niên, tâm sự: “Nghề chẻ đá rất vất vả và nguy hiểm. Ngoài chuyện phải khỏe, bền sức, còn phải biết chọn lựa tảng đá, vị trí đặt mũi chạm, tư thế ngồi, điểm tựa an toàn. Nhưng làm nghề như hiện nay thì độ may rủi rất cao…”.
Chưa có con số thống kê cụ thể và cũng không cơ quan đơn vị thống kê số vụ tai nạn lao động do chẻ đá tại khu vực này, nhưng sự cố gây thương tích cho thợ chẻ đá thì ai cũng công nhận là rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Phụ, một phu đá trú ở thôn Ngọc Thạnh 1, tâm sự: “Bản thân tui đã từng bị đá đè khi đang chẻ đá, nhưng may mắn thoát chết!”.
Năm 2007, chính quyền địa phương đã cấm khai thác đá ở núi Hòn Vồ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, núi Hòn Vồ còn bị tàn hại với tốc độ xem ra còn kinh khủng hơn. Ông Trần Đình Thu - cán bộ địa chính, phụ trách tài nguyên khoáng sản và môi trường xã Phước An, cho biết: “Xã đã nhiều lần phối hợp với các ban ngành kiểm tra và tiến hành lập biên bản việc khai thác đá trái phép tại núi Hòn Vồ. Tuy nhiên, do phải phối hợp với nhiều đơn vị nên thông tin dễ bị rò rỉ, khiến người vi phạm biết trước mà né tránh. Sắp đến, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với những trường hợp cố tình vi phạm”.
Nếu không ngăn chặn thành công việc khai thác đá trái phép trên núi Hòn Vồ, tai nạn chết người do khai thác đá sẽ chực chờ, tính mạng và sức khỏe của các hộ dân sống khu vực chân núi luôn bị đe dọa, đó là điều mà chính quyền xã Phước An, huyện Tuy Phước nên lưu ý.
|