|
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Cục THADS tỉnh về công tác THA trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VĂN LỰC |
Mới đây, Ban Pháp chế và Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đợt giám sát chuyên đề về công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy, công tác THADS còn tồn tại khá nhiều khó khăn, vướng mắc, đặt ra yêu cầu ngành thi hành án (THA) và các cơ quan chức năng cần áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để tháo gỡ.
Tẩu tán tài sản - lắm chiêu nhiều thức!
Hầu hết các chi cục và Cục THADS tỉnh đều nhìn nhận, tình trạng người phải THA cố tình tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ đang là vấn đề phổ biến và nan giải hiện nay. Nhận định về thực trạng này, ông Nguyễn Thành Chế, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Tây Sơn, nói: “Điều này không chỉ gây khó khăn trong công tác THA, dẫn đến án tồn đọng nhiều mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người được THA”.
Điển hình như trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Trì và bà Bùi Thị Thanh Xuân (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) cùng lúc tẩu tán 2 ngôi nhà và 7 lô đất. Dù bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng lợi dụng thời điểm người được THA chưa làm đơn yêu cầu thi hành, vợ chồng ông Trì đã bán số tài sản trên cho người khác.
Ngoài cách bán, cho, tặng... số tài sản mà họ có ra, hiện nay, khá nhiều người phải THA còn có hành vi tẩu tán tài sản bằng biện pháp “nhiều người khởi kiện một người”. Cụ thể, khi một bị đơn biết chắc sẽ bị thua kiện và việc phải THA là điều khó tránh khỏi, họ sẽ huy động nhiều người thân đồng loạt làm đơn khởi kiện mình tới tòa án cũng về việc vay, mượn tiền. Khi đó, người được THA và người phải THA đều là người thân nên tài sản của người phải THA gần như được bảo toàn.
Ông Phạm Thanh Đồng, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hoài Nhơn, xác nhận, cơ quan tiến hành tố tụng cũng như cơ quan THA biết rõ những cách thức mà người phải THA tẩu tán tài sản nhưng không can thiệp, ngăn chặn được vì ngoài phạm vi điều chỉnh của luật pháp.
Chây ỳ, chống đối việc thi hành án
Hiện nay, các chi cục và Cục THADS tỉnh còn phải “đau đầu” với hiện tượng đương sự chống đối quyết liệt việc phải THA. Hiện tượng này thường diễn ra dưới 2 hình thức là cơ quan THA đã cưỡng chế bán tài sản xong nhưng không giao được tài sản cho người mua hoặc đương sự tái chiếm tài sản đã bị THA. Vụ việc ông Thái Minh Hùng và bà Nguyễn Thị Hồng (huyện Tây Sơn) chống đối quyết liệt đối với quyết định THA của Chi cục THADS huyện Tây Sơn vào năm 2009 là một điển hình.
Theo quyết định trên, Chi cục THADS huyện Tây Sơn tổ chức cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, nhưng qua 7 lần thông báo bán đấu giá vẫn không có người mua. Nguyên nhân là do ông Hùng chống đối bằng cách treo bảng trước nhà “Ai mua nhà đổ máu”. Đến tháng 11.2010, Chi cục mới bán đấu giá thành nhưng đến nay vẫn chưa giao được tài sản cho người mua. Lại có trường hợp như Lê Bá Tâm Quý (TP Quy Nhơn) chống đối việc phải THA bằng cách chốt cửa, dùng xăng đe dọa tự thiêu nên cơ quan THA không thể giao tài sản cho người mua.
Còn các ông, bà Phan Châu Chiến (TP Quy Nhơn); Nguyễn Văn Mới, Trần Thị Hậu (Hoài Nhơn) thì chống đối việc THA bằng cách chiếm lại nhà ngay trong ngày cơ quan THA cưỡng chế giao nhà cho người mua đấu giá. Dù các đương sự trên thực hiện hành vi một cách trắng trợn nhưng đến nay việc THA vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Việc đương sự chây ỳ, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ phải THA cũng khiến cơ quan THA gặp không ít khó khăn. Ông Trần Đình Bửu, Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã An Nhơn, cho biết: “Chúng tôi đang “đau đầu” bởi tình trạng đương sự phải THA là các công ty, doanh nghiệp gây cản trở, đóng cửa văn phòng, vắng mặt... khi chúng tôi tổ chức THA”. Theo ông Bửu, hiện Chi cục THADS An Nhơn đang thụ lý 8 trường hợp phải THA là các công ty, doanh nghiệp và tất cả đều gặp khó khăn khi tổ chức THA, trong đó có doanh nghiệp phải THA trên 2 tỉ đồng.
Cơ chế phối hợp THA- chưa tốt!
Theo nhận định của ông Ngô Dũng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc nói trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và các bên có liên quan còn kém. Nhiều trường hợp có điều kiện THA nhưng bằng mọi cách đã chây ỳ, tẩu tán tài sản, khiếu nại vượt cấp... để kéo dài thời gian.
Ngoài ra, một số quy định của Luật THADS chưa có tính khả thi nhưng chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành; cơ chế phối hợp trong công tác THA chưa đồng bộ; việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 304 Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn thực hiện... cũng là những nguyên nhân khiến công tác THA gặp khó khăn.
Trước tình hình trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát về công tác THADS, đề nghị ngành THADS tỉnh, các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường phối hợp và xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn trong công tác THA. “Cụ thể, định kỳ xác minh, phân loại, rà soát về số việc, tiền có điều kiện, chưa có điều kiện THA; đề cao công tác hòa giải, giáo dục thuyết phục người phải THA tự nguyện thi hành, kiên quyết cưỡng chế đối với những đối tượng có điều kiện nhưng cố tình chây ỳ, chống đối việc THA... Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần tăng cường công tác kiểm soát tài sản như kê biên, tạm giữ tài sản để ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản; đảm bảo cho công tác xét xử và THA đạt kết quả”, ông Sơn đề nghị.
|