Công tác chứng thực thuộc thẩm quyền cấp xã, phường, thị trấn (chứng thực cấp xã) giữ vai trò quan trọng, đáp ứng kịp thời nhu cầu chứng thực của tổ chức và công dân. Tuy nhiên hiện nay, công tác này trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế cần sớm được tháo gỡ.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có khoảng 350 công chức và cán bộ hợp đồng làm việc trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch (TP-HT) tại 159 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, các công chức, cán bộ TP-HT cấp xã (nhất là các xã, phường, thị trấn thuộc những huyện đồng bằng và thành phố, thị xã) thực hiện số lượng lớn vụ việc công chứng, chứng thực thuộc thẩm quyền, đáp ứng kịp thời nhu cầu chứng thực của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực chứng thực cấp xã trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
|
Công tác chứng thực ở cấp xã trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế cần sớm được tháo gỡ.
- Trong ảnh: Cán bộ TP-HT phường Trần Hưng Đạo thực hiện việc chứng thực cho người dân. |
Bất cập và quá tải
Ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, qua kiểm tra thực tế công tác chứng thực tại một số xã, phường, thị trấn cho thấy, nhiều hợp đồng chuyển nhượng, thế chấp tài sản là bất động sản do UBND xã chứng thực chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên- Môi trường về hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất. Những thiếu sót này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng nếu những hợp đồng này bị khởi kiện ra tòa án.
Ngoài ra, một số hợp đồng do UBND cấp xã chứng thực, hồ sơ lưu còn thiếu những giấy tờ quan trọng như: Thiếu bản sao sổ hộ khẩu (trường hợp nhận chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở); thiếu đơn xin tách thửa, hợp thửa (trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất); thiếu bản sao giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (trường hợp chứng thực tặng, cho di sản thừa kế)...
Bên cạnh đó, việc cán bộ TP-HT cấp xã thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP (Nghị định 79) cũng có một số hạn chế, khó khăn. Chị Trần Thị Hồng, cán bộ TP-HT phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tại phường Trần Hưng Đạo, trung bình mỗi ngày chúng tôi chứng thực khoảng 250 - 300 giấy tờ, bản sao các loại. Với khối lượng công việc nhiều như vậy, tình trạng cán bộ TP-HT bị thiếu sót, đôi lúc chậm trễ trong công việc là điều khó tránh khỏi”.
Theo Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, công tác tư pháp của UBND cấp xã có 11 nhóm nhiệm vụ. Trong khi đó, nhiều phường, xã, thị trấn chỉ bố trí 1 công chức làm công tác tư pháp nên việc cán bộ bị “quá tải”, công việc ứ đọng nhiều vẫn thường xảy ra. Không những thế, tình trạng “người ít việc nhiều” còn rất dễ dẫn đến hiện tượng cán bộ TP-HT gây khó khăn, sách nhiễu, phiền hà cho công dân khi có nhu cầu chứng thực.
Giảm khối lượng công việc
Ông Lê Việt Cường cho rằng, để tháo gỡ những tồn tại trên, trước hết, các cấp có thẩm quyền cần từng bước chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định số 79. Đồng thời, ngành chức năng cần tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Công chứng; bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức.
Việc tăng cường số lượng công chức TP-HT cấp xã để đáp ứng nhiệm vụ công việc; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này; đồng thời tạo điều kiện về chế độ lương và phụ cấp... cũng cần được quan tâm, để họ yên tâm công tác, góp phần thực hiện thắng lợi yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
|