Theo báo cáo tổng hợp về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em ở tỉnh ta, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 26 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, cướp đi sinh mạng của 21 em nhỏ. Đáng chú ý là số trẻ thiệt mạng do đuối nước chiếm tỉ lệ cao.
Đuối nước là loại tai nạn gây nhiều nguy hiểm nhất cho trẻ. Trẻ em vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, được tắm và ngâm mình trong dòng nước mát lạnh giúp các em có được những phút giây thật thoải mái. Nhưng, môi trường nước tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm thường xuyên rình rập trẻ.
|
Người lớn cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho con em mình.
- Trong ảnh: Trẻ em ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn chơi đùa ở bãi biển. |
Trong số 26 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em nói trên có 14 vụ đuối nước, mà hậu quả để lại là những cái chết thương tâm. Chiều 5.6, em Đỗ Ngọc Chi (12 tuổi, học sinh lớp 6, Trường THCS Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) và em Hoàng Nguyễn Ngọc Trung (13 tuổi, học sinh lớp 7, Trường THCS Quang Trung, TP Quy Nhơn) bị nước xoáy nhấn chìm trong lúc tắm tại biển Quy Nhơn. Trước đó 2 ngày, em Huỳnh Thị Duyên (11 tuổi, ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) bị sụp hố nước sâu dẫn đến chết đuối khi đi tắm biển cùng 4 em nhỏ khác trong thôn.
Do ý thức chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của những tai nạn thương tích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nên trẻ em rất dễ mắc nạn. Sáng 12.5, cháu Trương Gia Hân (1 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) vào nhà tắm nghịch, bị trượt chân cắm đầu vào xô nước, dù được phát hiện kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do suy hô hấp nặng.
Những vụ đuối nước trên đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là, chủ quan của người lớn, nhất là gia đình trong việc quản lý con em mình. Mùa hè là thời điểm các em nghỉ học, được tự do vui chơi, đùa nghịch; từ đó kéo theo những cái chết thương tâm của trẻ em do đuối nước. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh còn ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ, đặc biệt với trẻ ở nông thôn thường rủ nhau đi mò cua, bắt ốc, tắm sông, suối, ao, hồ...
Điều đáng nói ở hầu hết trẻ tử vong do đuối nước là các em không hề biết bơi và khi đi bơi cũng không có người lớn kèm, hay bất kỳ phương tiện cứu hộ nào. Trong khi các em chưa lường hết được sự nguy hiểm, nên vẫn rủ nhau đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ chết đuối.
|
Ngày hè ở bãi biển TP Quy Nhơn. |
Trên thực tế, hiện nay, điểm vui chơi cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, sinh hoạt tập thể của các em, nhất là ở khu vực nông thôn không có điều kiện kinh tế, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích.
Để trẻ có một mùa hè bổ ích, việc phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đầu tháng 6.2012, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh&Xã hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động hè dành cho trẻ và khuyến khích các em tham gia những hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh.
“Trong số 26 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em nói trên có 14 vụ đuối nước, mà hậu quả để lại là những cái chết thương tâm ” |
Các bậc cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho con em mình. Đối với việc phòng đuối nước, trẻ em phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn mỗi khi trẻ tiếp xúc với nguồn nước như ao, hồ, sông, bể bơi… Đặc biệt, cha mẹ nên tập bơi cho trẻ, hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước.
Tuy nhiên, để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt hiệu quả thì ngoài gia đình, rất cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng xã hội nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Có như vậy mới tránh được những cái chết thương tâm đối với các em xảy ra như thời gian qua.
|