Việc tăng cường xử lý nghiêm các vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông sẽ góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến để mọi người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.
|
Người vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt tỉnh thực hiện quyết định xử phạt. Ảnh: HẠO NHIÊN
|
Chủ quan và bất cẩn
Chừng này năm ngoái, tôi dự một phiên tòa xử cùng lúc hai chị em ruột quê ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ. Em phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; còn chị phạm tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Chị đứng trước vành móng ngựa với cái thai khoảng 6 tháng; em chuẩn bị thi đại học.
Dẫu chưa có giấy phép lái xe, em vẫn được chị giao cầm lái vì “con trai đi xe mạnh dạn hơn”. Em chở chị chạy nhanh, tông thẳng vào một chiếc xe máy chở ba đang từ đường ngang chạy lên. Nạn nhân ngoài 70 tuổi, chết trên đường đi cấp cứu. Nghe tòa tuyên phạt 24 tháng tù giam, người em tên là Nguyễn Ngọc L. (SN 1992) đã khóc nức: “Sau tai nạn, em đã bị ám ảnh đến mức thi rớt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Năm nay, em đã thi đậu tốt nghiệp THPT, thầm hứa sẽ cố thi đậu đại học. Nay phải ở tù 2 năm…”.
Từ đầu năm đến nay, TAND TP Quy Nhơn đã đưa ra xét xử 12 vụ án với 13 bị cáo vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điển hình như vụ án Đặng Hữu Nghĩa (SN 1993), đi xe máy dưới 50 phân khối, chở ba người, đến ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 1D và đường Hùng Vương, thay vì đi theo vòng xuyến thì Nghĩa chạy thẳng về phía bên trái, giành đường với người đi xe ngược chiều đang đi đúng phần đường. Vụ tai nạn làm nạn nhân chết tại chỗ, 2 người bạn của Nghĩa cũng bị thương. Nghĩa lãnh án 9 tháng tù giam. Gần đây nhất, ngày 19.6.2012, Tòa xử vụ án hai cha con cùng phạm tội. Cha giao xe máy cho con trai đi trong khi con chưa có giấy phép lái xe. Đường mưa trơn trợt, nhưng con chủ quan không giảm tốc độ, đã tông chết 1 người. TAND tuyên phạt con 24 tháng tù giam, cha bị 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Xử lý nghiêm khắc để làm gương
Thống kê của Viện KSND tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 71 vụ án với 74 bị can “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông” bị khởi tố, giảm 4 vụ/7 bị can so với cùng kỳ năm 2011. Việc khởi tố, đưa ra xét xử những vụ án TNGT gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ góp phần ổn định tình hình trị an xã hội, mà còn đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến để mọi người nghiêm túc tuân thủ pháp luật, chấp hành luật lệ giao thông.
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp gây TNGT chết người nhưng không thể đưa ra truy tố trước pháp luật, vì người bị hại, dù thương tật trên 31% nhưng vì lý do nào đó, đã từ chối giám định thương tật, hoặc không yêu cầu khởi tố vụ án. Do vậy, các cơ quan luật pháp không có cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ngược lại, cũng có trường hợp, người gây ra TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng lại bị truy tố, xét xử chưa thật đúng người đúng tội, không đủ tính răn đe, giáo dục. Điển hình như vụ án TNGT do hai chị em gây ra ở huyện Phù Mỹ trên, TAND cấp huyện xử cho Nguyễn Ngọc L. hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình nạn nhân cho rằng phải xử nặng người em trai để làm gương cho kẻ khác, nhưng đồng thời cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với người chị. Trong một lần trả lời phỏng vấn về tình hình TNGT năm 2011, lãnh đạo CA tỉnh cũng cho rằng, các vụ TNGT gây chết người nhiều, nhưng án TNGT lại ít, thì các cơ quan điều tra cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm.
Trong một vài năm gần đây, Bình Định là một trong những địa phương có số lượng người chết, bị thương vì TNGT thuộc hàng cao trong cả nước. Hưởng ứng “Năm An toàn giao thông- 2012”, cả tỉnh đã và đang phấn đấu giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, người bị chết và người bị thương. Thiết nghĩ, việc tăng cường đưa ra xét xử các vụ án TNGT sẽ góp phần vào việc nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho người dân. Đặc biệt, các vụ án TNGT do thanh thiếu niên phóng nhanh, lạng lách, giành đường vượt ẩu… gây ra, cần phải được xử lý nghiêm khắc, hoặc đưa xét xử lưu động để làm gương, nhằm răn đe, phòng ngừa các đối tượng khác phạm tội.
|