Thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra là chức năng chính của Viện KSND. Thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, các kiểm sát viên (KSV) cũng gặp không ít khó khăn từ quy định đến thực tiễn trong việc thực hiện trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra…
Những vấn đề này đã được nêu ra trong Hội thảo tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, do Viện KSND tỉnh tổ chức mới đây.
|
Các đại biểu phát biểu trong Hội thảo tổng kết thực tiễn và đề xuất giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. |
Chưa thể hiện hết vai trò
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì KSV có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra (CQĐT) đối với tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nhưng theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng phòng Kiểm sát thi hành án, Viện KSND tỉnh, vai trò của KSV hiện chỉ mới dừng lại ở việc “sao chép” tin báo từ sổ theo dõi tin báo tội phạm của CQĐT sang sổ của Viện KSND. Một số đơn vị đã phân công KSV kiểm sát tin báo sau khi nhận quyết định phân công điều tra viên về xử lý tin báo; kiến nghị khắc phục vi phạm về thời hạn sau khi nhận quyết định khởi tố hoặc không khởi tố tin báo của CQĐT; kiểm sát các hồ sơ đã xử lý các tin báo do CQĐT chuyển đến…, song mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu công việc, chứ chưa thể hiện hết vai trò của ngành kiểm sát theo yêu cầu của Bộ Luật Tố tụng hình sự. “Bởi, trong thực tế, vẫn còn tồn quá nhiều tin báo, tin báo vi phạm về thời gian xử lý, nhất là các tin về kinh tế, các tin báo phải có kết quả giám định…” - thạc sĩ Thanh lý giải.
Mặt khác, quá trình thực hiện Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự vẫn còn nhiều tồn tại. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như: Một số điều luật của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự còn bất cập, vẫn còn những nguyên nhân từ chủ quan như: KSV không tuân thủ nghiêm túc Quy chế dẫn đến án trả điều tra bổ sung, án hủy để điều tra lại; hoặc khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát viên điều tra vụ án còn chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu thận trọng khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá chứng cứ... Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo Viện KSND chưa sâu sát, thiếu kiên quyết đối với CQĐT khi phát hiện vi phạm.
Nâng cao trách nhiệm của KSV
Trong 6 năm 2006-2011, Viện KSND tỉnh đã tiếp nhận 6.429 tin báo, trong đó đã giải quyết được 5.019 tin, đạt tỉ lệ 79%. Thực hành quyền công tố, Viện KSND đã hủy 7 quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, từ chối phê chuẩn 20 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu CQĐT ra 13 lệnh bắt tạm giam… Qua kiểm sát điều tra, Viện KSND đã ban hành 41 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. |
Vậy, làm thế nào để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra cũng như kiểm sát tốt việc xử lý tin báo tội phạm? Ông Thái Văn Mừng, Phó Viện trưởng Viện KSND huyện An Lão, bày tỏ: “Theo tôi, nếu KSV có tinh thần trách nhiệm, đề ra yêu cầu có chất lượng và thường xuyên có mặt trong quá trình điều tra cũng như kiểm tra lại các tài liệu chứng cứ thu thập, thì sẽ thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Ngoài ra, lãnh đạo Viện KSND cũng cần yêu cầu KSV báo cáo việc thu thập chứng cứ, tăng cường kiểm tra tác nghiệp của KSV…”.
Một số lãnh đạo của Viện KSND các huyện, thành phố và các phòng nghiệp vụ của Viện KSND tỉnh cũng cho rằng, để thực hiện tốt quyền công tố trong hoạt động điều tra, Viện KSND cần đổi mới trong phương thức nắm, quản lý và xử lý tin báo tội phạm; kiểm sát việc thụ lý tin báo của CQĐT. Mỗi đơn vị cần xây dựng quy chế phối hợp với các ngành liên quan trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm. Đồng thời, mỗi KSV cần tăng cường bám sát các vụ án được phân công thụ lý, luôn ở vai trò chủ động hướng CQĐT, điều tra viên làm theo yêu cầu. Muốn vậy, KSV phải chú trọng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật.
|