|
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đang kiểm tra tàu cá. |
Ở Bình Định, số lượng các phương tiện giao thông đường thủy đang tăng khá nhanh. Cùng với đó, hiện tượng vi phạm các quy định an toàn giao thông như điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ, phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị cứu sinh... ngày một nhiều.
Theo chân tổ tuần tra kiểm soát Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, trên tuyến Quy Nhơn - Nhơn Châu, lực lượng tuần tra đã phát hiện phương tiện mang biển số BĐ 0004H, đăng ký chở khách nhưng lại sử dụng để chở dầu, nên ra hiệu dừng tàu. Song người lái ghe đã tăng tốc quay đầu bỏ chạy. Tuy nhiên chỉ sau vài phút áp sát, chiếc ghe trên đã bị khống chế. Chủ ghe là Nguyễn Thanh Tung, thường trú tại Hải Minh, KV 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn.
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại bỏ chạy khi lực lượng chức năng ra hiệu dừng ghe, anh Tung đáp: “Do ghe chưa có giấy tờ và bản thân anh cũng chưa qua lớp đào tạo chuyên môn để điều khiển phương tiện thủy. Vì đi biển cực quá, lại thua lỗ luôn, nên 2 tháng nay tôi chuyển sang nghề đưa đò chở khách, chủ yếu chạy vào ban đêm. Hôm nay, do chở dầu, khi thấy lực lượng tuần tra, sợ quá nên tăng tốc bỏ chạy”. Với những lỗi vi phạm của Tung, như: Phương tiện chưa đăng ký, không có giấy tờ hợp pháp; không có giấy phép điều khiển phương tiện và không chấp hành hiệu lệnh dừng của lực lượng tuần tra, anh Tung đã bị xử phạt 2 triệu đồng và tạm giữ phương tiện 15 ngày.
Hiện nay, lỗi vi phạm phổ biến của nhiều chủ ghe là: thiếu thiết bị, dụng cụ an toàn dành cho phương tiện tàu cá, không phao cứu sinh, cứu đắm; thiết bị phòng cháy, chữa cháy… Đơn cử như tàu BĐ 50941-TS do Trương Thanh Tiên làm chủ tàu, trú tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, mặc dù trong giấy đăng kiểm thì đăng ký 10 phao cứu sinh và trang bị đầy đủ phương tiện phòng chống cháy nổ, nhưng thực tế trên tàu đều không hề có những trang thiết bị này. Hay như trường hợp tàu DNa 22229-TS do Lê Văn Hòa làm chủ tàu (có công suất 24CV), khi kiểm tra, tàu này đã hết hạn đăng kiểm và không có nhật ký thuyền viên, dù chỉ được phép khai thác gần bờ, nhưng tàu này vẫn lén lút ra khơi xa.
Mới đây, trong đợt tuần tra kiểm soát tuyến Quy Nhơn - Đề Gi, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp các chủ tàu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn tàu cá.
Trung tá La Ngọc Rõ - Thủy đội trưởng, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, cho biết: “Kết quả các đợt tăng cường kiểm tra cho thấy, tình hình vi phạm hoặc tái vi phạm diễn ra khá phổ biến. Gần đây, chúng tôi kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm; ngoài phạt hành chính còn tạm giữ phương tiện. Chính vì vậy tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy có chuyển biến tích cực hơn nhưng có bền vững hay không nói thật là vẫn chưa được đảm bảo vì ý thức các chủ phương tiện rất thấp, hiện tượng tái vi phạm khá nhiều”.
Để góp phần làm giảm tai nạn giao thông đường thủy, bên cạnh việc tăng cường tuần tra kiểm soát thường xuyên, liên tục đối với các chủ phương tiện, xử lý nghiêm đối với các tàu vi phạm, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường thủy tới người tham gia giao thông, nhất là trong mùa mưa, lũ đang tới.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 123 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông đường thủy, phạt tiền trên 36 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh đúng quy định khi ra khơi đánh bắt, không có danh bạ thuyền viên, tàu hết hạn đăng kiểm. |
|