Phòng chống tham nhũng (PCTN) trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Thời gian qua, đã xảy ra 3 vụ tham nhũng nghiêm trọng tại một số chi nhánh ngân hàng trong tỉnh…
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Lớn nhất là vụ án Huỳnh Chí Trung, nhân viên tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tuy Phước, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “tham ô tài sản”. Từ tháng 11.2008 đến tháng 5.2011, lợi dụng danh nghĩa của 20 khách hàng, Trung đã lập khống 115 hồ sơ vay với tổng số tiền hơn 41,3 tỉ đồng để giải ngân đáo hạn và treo nợ khống cho khách hàng rồi chiếm đoạt hơn 19,58 tỉ đồng.
|
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh Lê Hữu Lộc phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 về công tác PCTN. Ảnh: T.H |
Tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Quy Nhơn, hai nhân viên kế toán là Phan Thị Quy và Võ Thị Ánh Ngọc đã cấu kết với thủ quỹ Võ Thị Kim Tuyến đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để lập khống 2 sổ tiết kiệm, rút khỏi quỹ 774 triệu đồng.
Một vụ khác là, ngày 15.8.2011, Nguyễn Văn Hòa, nhân viên kiểm ngân Phòng Giao dịch Diêu Trì thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Định đã lấy trộm 405 triệu đồng. Vụ việc đang được thanh tra Bộ Quốc phòng điều tra.
“Nhân viên các tổ chức tín dụng trực tiếp sai phạm thì bị khởi tố, bắt giam. Thế còn người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị thì trách nhiệm như thế nào, sẽ bị xử lý ra sao? Người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Đề nghị các ngành chức năng vào cuộc làm rõ. Nếu để lâu, e rằng sẽ “quên” mất…”.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh
|
Báo cáo của 10 tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối cho thấy: Đến hết tháng 5.2012, tổng dư nợ đạt 27.243 tỉ đồng thì có 1.169 tỉ đồng là nợ xấu, chiếm tỉ lệ 4,29%. Trong đó, nợ khó có khả năng thu hồi (nợ ở nhóm 5) là gần 257 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ gần 22%. Nguyên nhân tỉ lệ nợ xấu cao xuất phát một phần từ việc lãnh đạo và cán bộ liên quan, trong thẩm định và quyết định cho vay chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng tín dụng, cán bộ tín dụng không tuân thủ nghiêm quy trình thẩm định cho vay, cho vay không đúng mục đích; phần khác do doanh nghiệp (DN) tìm cách lôi kéo, mua chuộc cán bộ ngân hàng hoặc qua mặt, lừa đảo ngân hàng…
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, không loại trừ khả năng DN thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc tạo dựng hồ sơ giả để vay vốn, sử dụng giấy tờ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền ngân hàng. Và, để làm được việc này, phần lớn có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng.
Mặt khác, một số DN, cá nhân không có năng lực tài chính sẽ lôi kéo, mua chuộc cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp vay; hoặc cán bộ lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo cấp dưới cho vay trái quy định để nhận hối lộ.
Ngăn ngừa tội phạm nảy sinh
Việc xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại nơi xảy ra tham nhũng còn chậm, thời gian xử lý kéo dài và có dấu hiệu bao che trong việc xử lý. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã ra quyết định tạm dừng nhiệm vụ điều hành đối với Giám đốc và miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tuy Phước. Phòng Giao dịch Diêu Trì thuộc Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Định và Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT TP Quy Nhơn hiện chưa đề xuất phương án xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
(Trích báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo kiểm tra đôn đốc công tác PCTN trên lĩnh vực tín dụng, ngân hàng của Ban Chỉ đạo tỉnh về PCTN) |
Góp phần PCTN, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ, xây dựng quy trình và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong thực hiện quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo PCTN tại một số đơn vị vẫn chưa thường xuyên, chủ yếu mới chỉ dừng lại trên “giấy tờ” mà chưa thực sự đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Tại Hội nghị sơ kết công tác PCTN do UBND tỉnh tổ chức mới đây, các thành viên trong Ban Chỉ đạo dành khá nhiều thời gian thảo luận về PCTN trong lĩnh vực tín dụng - ngân hàng. Theo ông Hồ Văn Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, tỉ lệ nợ xấu cao là do quản lý không chặt, có dấu hiệu buông lỏng. Nhận định này càng rõ thêm khi ông Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cho biết: “Qua công tác kiểm sát, ngành đã phát hiện nhiều trường hợp vay được ngân hàng định giá tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực. Có những miếng đất khi kiểm sát thi hành án đến kiểm tra thì giá trị thực rất thấp nhưng lại được định giá hàng cây vàng mỗi mét vuông. Nếu quản lý nghiêm túc thì không bao giờ xảy ra vụ án tham nhũng lớn như vụ Huỳnh Chí Trung được”.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh Lê Hữu Lộc cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng tội phạm nảy sinh trong ngành tín dụng - ngân hàng, trong thời gian đến, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tốt các tổ chức tín dụng bằng cách tiếp tục hướng dẫn thực hiện các thông tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tín dụng - ngân hàng cho các ngân hàng thương mại; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên và thường xuyên phổ biến các sai phạm, tiêu cực hay gặp trong ngành để các đơn vị phòng ngừa.
|