Tham ô 19,583 tỉ đồng, Huỳnh Chí Trung nhận án tù chung thân
16:4', 17/7/ 2012 (GMT+7)

Sáng nay (17.7), TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Huỳnh Chí Trung (SN 1977, hộ khẩu thường trú tại tổ 12, KV 3 phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) nguyên là nhân viên Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tuy Phước về tội “tham ô tài sản”.

 

Bị cáo Huỳnh Chí Trung trước vành móng ngựa.

 

Theo cáo trạng, từ ngày 2.11.2008, Ngân hàng NN&PTNT huyện Tuy Phước (gọi tắt là Ngân hàng) triển khai phương thức giao dịch một cửa IPCAS (khách hàng chỉ cần giao dịch với một giao dịch viên để hoàn tất giao dịch theo yêu cầu). Lợi dụng sơ hở, chủ quan của lãnh đạo phòng tín dụng, Giám đốc và bộ phận hậu kiểm của Ngân hàng, Trung đã lập khống hồ sơ (HS) vay tiền rồi chiếm đoạt bằng cách lấy tên của khách hàng còn hạn mức để lập giấy nợ vay khống, ký giả chữ ký khách hàng và chữ ký duyệt của lãnh đạo để lập khống HS vay tiền. Ngoài ra, Trung còn sử dụng giấy nhận nợ của các DN đã được ký tên, đóng dấu khống theo yêu cầu bổ sung hồ sơ của Trung và giấy nhận nợ trong hồ sơ bảo lãnh cho khoản vay hoặc sử dụng giấy nhận nợ khác của DN mang đến đổi giấy nhận nợ do viết bị sai để sửa chữa nội dung lập hồ sơ khống vay…

Khi đã lập được giấy nhận nợ vay khống, Trung vào hệ thống  IPCAS đăng nhập dữ liệu về việc khách hàng vay, sử dụng mật khẩu của lãnh đạo phòng tín dụng tự phê duyệt cho vay, in chứng từ giao dịch giải ngân, cân đối thu - chi tiền mặt trong ngày để rút tiền chiếm đoạt. Có trường hợp khi khách hàng đưa tiền cho Trung để trả nợ Ngân hàng ở các hồ sơ mà Trung lập khống, nhưng Trung không nộp mà chiếm đoạt và treo nợ khống cho các DN.

Với các thủ đoạn trên, từ ngày 24.11.2008 đến ngày 12.5.2011, Trung đã lợi dụng danh nghĩa của 20 khách hàng lập khống 115 HS vay với tống số tiền hơn 41,3 tỉ đồng. Trong đó, sử dụng giải ngân đáo hạn cho 69 hồ sơ vay trước đó hơn 22,3 tỉ đồng; còn lại 46 hồ sơ với số tiền trên 19 tỉ đồng Trung treo nợ khống cho 16 khách hàng rồi chiếm đoạt.

Đã có những khách hàng là các DN, cá nhân ở huyện Tuy Phước bỗng dưng mắc vào những khoản vay… “từ trên trời rơi xuống” do Trung tạo ra. Có thể kể đến một số “nạn nhân” như Công ty TNHH Anh Khiêm bị lập khống 7 hồ sơ vay với tổng số tiền chiếm đoạt 2,8 tỉ đồng; Công ty TNHH Minh Thảo có 5 hồ sơ vay, 3,87 tỉ đồng; ông Đoàn Văn Khiêm có 3 hồ sơ vay, 500 triệu đồng… Ngoài ra, Trung còn chiếm đoạt số tiền hơn 576,1 triệu đồng của Ngân hàng bằng các thủ đoạn như lập bút toán hủy số tiền khách hàng trả nợ vay để hạch toán thu nợ tất toán cho khoản vay khống đã lập trước đó; thu tiền khách hàng nộp trả nợ vay nhưng không làm thủ tục thu nợ, không nộp cho Ngân hàng.

 

Đứa con nhỏ của bị cáo Trung được người quen ẵm đứng ở ngoài khán phòng trong suốt buổi sáng.

 

Mỗi tháng “nướng” vào cá độ bóng đá, số đề khoảng 400 triệu đồng

Tại phiên tòa, Trung khai rõ các hồ sơ mà y đã lập khống cho các doanh nghiệp, với số lần và tổng số tiền. Trong tổng số tiền 19,583 tỉ đồng chiếm đoạt tại Ngân hàng NN&PTNT, Trung đã trả lãi các khoản vay khống, trả nhầm các khoản thực vay của Công ty TNHH Vịnh Phát 222,2 triệu đồng; trả giúp lãi cho bà Huỳnh Thị Thoa: 11,4 triệu đồng; mua sắm tài sản (đất, xe ô tô, cây cảnh): 787,2 triệu đồng; cho 6 khách hàng mượn đáo nợ hơn 1,3 tỉ đồng. Còn lại Trung khai đã đưa cho ông Đoàn Văn Quang (nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tuy Phước) 3 tỉ đồng. Còn lại số tiền hơn 12 tỉ đồng Trung chơi cá độ bóng đá, số đề.

Thời gian Trung phạm tội đến khi bị phát hiện kéo dài khoảng 30 tháng, bình quân mỗi tháng Trung “nướng” khoảng 400 triệu đồng vào các thú tiêu khiển: “Trước đây, bị cáo cũng có chơi cá độ, số đề nhưng chơi nhỏ trong khả năng của mình. Từ ngày triển khai phương thức giao dịch một cửa IPCAS, thấy việc kiếm tiền, lấy tiền quá dễ dàng nên bị cáo ngày càng lún sâu vào việc chơi bời cá độ, số đề. Về cá độ bóng đá, bị cáo toàn chơi các giải quốc tế. Mỗi đêm “đá” ít nhất 10 trận, mỗi trận ít nhất là 10 triệu đồng. Còn số đề, bị cáo đánh bao lô 2 số cuối tất cả các giải xổ số của các tỉnh miền Trung, ít nhất 1 triệu đồng cho mỗi số. Đã chơi thì có thắng có thua. Càng thua bị cáo càng chơi nhiều để mong gỡ lại, cứ thế ngày một lún sâu vào tội lỗi”, Trung khai trước tòa.

Ngân hàng quản lý lỏng lẻo

Tuy nhiên, bị cáo Trung cũng cho rằng, việc mình phạm tội trót lọt trong một thời gian dai như thế là do Ngân hàng quản lý quá lỏng lẻo, dễ dãi.

Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi ông Đoàn Văn Quang, Nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tuy Phước (nay đã bị tạm dừng nhiệm vụ điều hành ) về việc Trung khai đã đưa cho ông 3 tỉ đồng. Ông Quang khẳng định không có. Ông cũng cho rằng các quy định về phương thức giao dịch một cửa IPCAS của Ngân hàng rất chặt chẽ (!). Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi nếu chặt chẽ thì tại sao Trung “qua mặt” trưởng, phó phòng Tín dụng, cán bộ hậu kiểm để giả con dấu, giả chữ ký của giám đốc trong suốt 3 năm mà không ai phát hiện ra, thì ông Quang không trả lời được. “Vậy là ông đã không hề kiểm tra. Nếu kiểm tra thì phát  hiện ra ngay…”- HĐXX kết luận.

Theo quy trình của phương thức giao dịch một cửa IPCAS, thì lãnh đạo Phòng Tín dụng sử dụng mật khẩu riêng để kiểm tra, quyết định cho vay hay không cho vay trên máy. Chỉ khi có quyết định cho vay của lãnh đạo phòng trên máy thì nhân viên tín dụng mới in   chứng từ giao dịch giải ngân kèm giấy nhận nợ của khách hàng trình cho lãnh đạo phòng tín dụng ký duyệt cho vay hồ sơ trên giấy. Sau đó cán bộ tín dụng trình hồ sơ vay (gồm giấy nhận nợ, chứng từ giao dịch) cho giám đốc ký quyết định cho vay.

Nhưng theo lời khai của Trưởng, Phó phòng Tín dụng của Ngân hàng tại Tòa, để thuận lợi cho cơ quan và khách hàng, họ đều cung cấp mật khẩu của mình cho các nhân viên tín dụng và ngay cả con dấu của cơ quan được để ở nơi mà nhân viên nào muốn đóng thì đóng.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng, đã thừa nhận công tác bảo mật của Ngân hàng đã không được đảm bảo. Nếu tất cả mọi người từ giám đốc đến nhân viên hậu kiểm đều có trách nhiệm, thực hiện theo đúng quy trình nhiệm vụ thì Trung không thể lấy được một hào nào…

Theo quan điểm của Viện KSND, vụ án này đã được tách làm hai. Vụ án “Huỳnh Chí Trung phạm tội tham ô” được đưa ra xét xử trước. Riêng đối với các ông: Đoàn văn Quang, nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNN chi nhánh huyện Tuy Phước; Đoàn Hồng Sơn, Trưởng Phòng Tín dụng; Nguyễn Văn Tạo, Phó Phòng Tín dụng; Lê Văn Sơn, cán bộ hậu kiểm có hành vi buông lỏng quản lý trong hoạt động tín dụng tại Ngân hàng, làm sai quy định, thiếu kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, chứng từ cho vay… tạo sơ hở để Trung lợi dụng chiếm đoạt tiền của Ngân hàng là dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra tách ra, điều tra xử lý trong 1 vụ án khác.

 

Huỳnh Chí Trung trong khi chờ HĐXX nghị án.

 

Hậu quả nặng nề

Viện KSND đã truy tố Huỳnh Chí Trung theo điểm a, khoản 4, Điều 278 của Bộ Luật Hình sự và đề nghị Trung mức án tù chung thân. Khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, Trung nói: “Vì ăn chơi, buông thả mà bị cáo trượt dài theo tội lỗi. Có tội thì nhận tội, bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét hoàn cảnh gia đình, nhân thân mà giảm nhẹ tội để bị cáo có điều kiện trở về thực hiện nghĩa vụ dân sự”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét mọi tình tiết, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Trung mức án tù chung thân, buộc Trung phải bồi thường cho Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tuy Phước số tiền 19,583 tỉ đồng. Đồng thời buộc 6 doanh nghiệp, cá nhân phải trả cho Trung khoản tiền hơn 1,3 tỉ đồng mà Trung đã cho họ mượn để đáo nợ Ngân hàng để đảm bảo thi hành án.

Một số tài sản của Trung đã bị cơ quan điều tra kê biên gồm: 23 chậu cây cảnh (có 2 chậu mua chung với một người tên Thuận), 1 thửa đất diện tích 625 m2 tại thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, hiện được giao lại cho Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Tuy Phước và ông Thuận chăm sóc, bảo quản.

Chuyện bên lề

Vợ Trung, chị Lê Kim Tú, 26 tuổi, đã ẵm theo đứa con trai hơn 20 tháng tuổi dự phiên tòa xét xử cha ruột. Một người quen đã bế cháu nhỏ đứng ở ngoài khán phòng trong suốt phiên tòa. Chị Lê Kim Tú, vợ Trung cho biết họ cưới nhau năm 2009 thì đến 2010 chị  sinh con. “Tôi hoàn toàn không biết việc chồng làm. Sau khi sự việc đổ bể, tôi đã bán xe ô tô (120 triệu đồng) để khắc phục một phần hậu quả. Theo lời của hàng xóm kể thì mẹ Trung (bà Lê Thị Đốc) bị tai biến đã nhiều năm nay”.

Theo phỏng đoán của chúng tôi, ước chừng gần một nửa người dự khán là nhân viên của Ngân hàng NN&PTNNT, kể cả người có liên quan trong vụ án và không liên quan, đã đến dự phiên tòa này.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện gỗ lậu sao chỉ xử lý một phần?  (16/07/2012)
Xe quá tải đang cày nát nhiều tuyến đường  (16/07/2012)
Trật tự, ổn định và nền nếp hơn  (16/07/2012)
Giận vợ, treo cổ tự tử  (16/07/2012)
Ô tô, xe máy đụng nhau, 1 người tử vong  (16/07/2012)
Tai nạn hy hữu  (16/07/2012)
Hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung  (16/07/2012)
Xe không lắp hộp đen sẽ bị cấm lưu hành  (15/07/2012)
Thế vàng giả, lấy tiền thật  (15/07/2012)
Ngăn ngừa tội phạm nảy sinh  (15/07/2012)
Tắm biển bị đột quỵ  (14/07/2012)
Cấp cứu giữa đường  (14/07/2012)
Hoài Nhơn kiềm chế tai nạn giao thông  (14/07/2012)
Đẩy mạnh phòng ngừa, kiên quyết xử lý  (14/07/2012)
Sa lưới pháp luật sau 28 năm bị truy nã  (13/07/2012)