Tình trạng thanh thiếu niên (TTN) phạm tội, vi phạm pháp luật và xu hướng trẻ hóa đang gia tăng trên địa bàn tỉnh khiến dư luận quan tâm. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn Đại tá Phan Văn Thanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra CA tỉnh, về vấn đề này…
|
Lãnh đạo UBND tỉnh, CA tỉnh và đại diện các sở, ngành dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị và Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015. Ảnh: THU HÀ
|
* Thưa ông, nhóm loại tội phạm nào đối tượng TTN vi phạm nhiều nhất?
- Thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm trong 3 năm (2009-2011) trở lại đây cho thấy, tình hình hoạt động của tội phạm cũng như vi phạm pháp luật trong lứa tuổi TTN diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội. Đã xuất hiện tình trạng TTN kết thành băng nhóm thực hiện tội phạm rất manh động, táo bạo, coi thường pháp luật, gây bất bình trong nhân dân. Thống kê cho thấy, tội phạm TTN hiện nay chiếm tỉ lệ 56,6% tổng số vụ phạm pháp hình sự (1.540/ 2.721 vụ), trong số này, đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ 16 đến 30 chiếm tỉ lệ gần 83%.
Nhóm loại tội phạm TTN vi phạm xảy ra chủ yếu là: Gây rối trật tự công cộng (49 vụ/52 vụ, chiếm tỉ lệ 95%), cố ý gây thương tích (385/600 vụ, chiếm 64,17%), giết người (26/45 vụ, chiếm 57,77%), trộm cắp tài sản (487/1.151 vụ, chiếm 42,31%), cướp giật tài sản (158/285 vụ, chiếm 55,4%)…
* Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN, nhưng theo tôi xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau: Một bộ phận không nhỏ TTN chạy theo lối sống thực dụng, buông thả, thiếu tu dưỡng rèn luyện, xem thường pháp luật; trong khi đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động làm lệch chuẩn hành vi đạo đức, xã hội, cộng với ảnh hưởng từ các trò chơi bạo lực trên internet, phim ảnh.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục, định hướng cho con em ở một số gia đình đã không được quan tâm đúng mực nên không kịp thời uốn nắn các sai phạm. Ngoài ra, theo tôi, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội cùng với các cấp, ngành và các tổ chức hội đoàn thể còn thiếu liên kết chặt chẽ trong việc quản lý giáo dục cũng như phòng ngừa, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội trong giới trẻ.
* Việc phòng chống tội phạm trong TTN, trong thực tế, hình như vẫn còn tình trạng “phó mặc” cho lực lượng chức năng. Theo ông, để huy động trách nhiệm của cả cộng đồng, điều gì là quan trọng nhất?
- Đúng vậy! Đây đó vẫn còn tư tưởng cho rằng phòng chống tội phạm nói chung, và phòng chống tội phạm trong TTN nói riêng là trách nhiệm của lực lượng CA. Nếu suy nghĩ như vậy là chưa đúng với nội dung Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22.10.2010 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”.
Để huy động trách nhiệm của cả cộng đồng trong phòng chống TTN phạm tội, lực lượng CA phải làm nòng cốt, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội triển khai có hiệu quả Chỉ thị 48. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là phải làm thế nào để mọi người đều có ý thức tham gia ngăn ngừa cái xấu, cái ác nảy sinh, đồng lòng phòng chống tội phạm; khơi dậy sự hướng thiện của người trẻ. Muốn vậy, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ gia đình, nhà trường, xã hội.
* Để ngăn chặn và phòng chống tội phạm trong lứa tuổi TTN hiệu quả, trong thời gian tới lực lượng CA sẽ tập trung vào các giải pháp gì, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 48-CT/TW và phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm trong TTN nói riêng. Mặt khác, ngành sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo NĐ 163/CP và đưa các đối tượng vi phạm vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng nhằm ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TTN. Ngoài ra, ngành CA tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó tập trung đấu tranh, xử lý các loại tội phạm chủ yếu do TTN gây ra như giết người, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…, kết hợp với công tác tuyên truyền cho TTN, học sinh, sinh viên nâng cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện kỹ năng sống.
* Cảm ơn ông!
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Viện KSND TP Quy Nhơn đã khởi tố điều tra 177 bị can (không kể 35 bị can khởi tố thêm thuộc các vụ án khởi tố năm 2011) thuộc 17 nhóm tội danh. Trong đó:
- Từ 18 đến dưới 30 tuổi: 123 bị can (chiếm 69,49%, trong đó có 8 sinh viên)
- Từ 16 đến dưới 18 tuổi: 20 bị can (11,2%)
- Từ 14 đến dưới 16 tuổi: 2 bị can (1,12%) |
|