Phạm nhân trong hành trình hoàn lương:
Cần lắm điểm tựa gia đình và niềm tin chính mình
23:0', 25/7/ 2012 (GMT+7)

Trại giam Kim Sơn thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị Gia đình phạm nhân lần thứ 2. Đây là một trong những biện pháp của Trại giam nhằm tác động đến tâm lý của phạm nhân, giúp họ yên tâm cải tạo tốt...

Trong số khoảng 200 khách mời có mặt tại Hội nghị thì khoảng 170 người là thân nhân của các phạm nhân. Nhiều người trong số họ là cha, mẹ, không ngại đường xa, tuổi già mệt mỏi đến gặp con, với ngổn ngang tâm trạng. Người thì xót xa, xấu hổ, người thì kèm theo đó cũng có chút mừng vui khi nghe tên con mình được xướng lên trong danh sách phạm nhân chấp hành án phạt tù tốt. Cũng không ít người gục mặt, cúi đầu khi nghe thông báo người thân thuộc diện “ý thức kỷ luật kém”.

 

Đông đảo gia đình của phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Kim Sơn đến dự Hội nghị Gia đình phạm nhân lần thứ 2.

Điểm tựa gia đình

Ông Võ Tri (68 tuổi, ở huyện Vân Canh), đã đi xe máy từ lúc 4 giờ sáng để đến Trại giam Kim Sơn (Ân Nghĩa, Hoài Ân) kịp giờ dự Hội nghị: “Giận thì giận mà thương thì vẫn thương, tôi động viên con ráng cải tạo tốt, sớm về với gia đình…”. Con ông là Võ Duy Quốc, bị kết án 10 năm tù, đã thụ án được 4 năm, thường được xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt.

Trong kết quả xếp loại thi đua chấp hành hình phạt tù 6 tháng đầu năm 2012 của toàn Trại giam Kim Sơn, có 312 phạm nhân chấp hành án phạt tù loại tốt (22,76%), 943 phạm nhân xếp loại khá (68,78%), 116 phạm nhân xếp loại trung bình, kém (8,46%). Có 97 phạm nhân bị xử lý kỷ luật.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết: “Ngoài những gia đình có phạm nhân cải tạo tốt, khá, Ban Giám thị cũng mời gia đình các phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật kém dự Hội nghị, để gia đình có biện pháp an ủi, động viên họ cải tạo tốt. Để giáo dục phạm nhân cải tạo tốt, ngoài nhiệm vụ của cán bộ Trại giam, rất cần sự quan tâm từ phía gia đình, thể hiện qua việc thăm gặp, điện thoại, viết thư. Không ít phạm nhân tỏ ra bất cần đời, chống đối chỉ vì cảm thấy không còn chỗ dựa về tinh thần lẫn vật chất…”. Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Trại đã giải quyết cho gần 16.400 lượt phạm nhân gặp thân nhân, gia đình; cho phạm nhân liên lạc với thân nhân qua 9.731 cuộc điện thoại, nhận 15.738kg bưu kiện…

Phạm nhân Ngô Tấn Thành, 62 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, chịu mức án 13 năm tù, là một trong những phạm nhân tiêu biểu được dự Hội nghị, tâm sự: “Khoảng hai tháng, vợ, con tôi vào thăm một lần, tiếp tế lương thực. Đó là động lực để tôi phấn đấu cải tạo tốt…”.

 

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, chia sẻ kinh nghiệm “tự vượt qua chính mình” vươn lên trong cuộc sống tại Hội nghị.

Bài học vượt lên chính mình

“Tôi thụ án 18 năm, đã chấp hành án phạt được gần 9 năm rồi. Tôi được giảm án 3 lần, tổng cộng 37 tháng, đang phấn đấu để được giảm án mút khung. Tôi nghĩ, nếu phạm nhân luôn xác định được tư tưởng, yên tâm cải tạo, chấp hành tốt mọi nội quy của Trại, gạt bỏ mọi quá khứ, thì sẽ làm tốt mọi nhiệm vụ, công việc Trại giao, thể nào cũng được giảm án…”.

Phạm nhân Nguyễn Đại Phong Châu (nhà ở TP Quy Nhơn), Đội trưởng Ban tự quản phạm nhân (Phân trại 1, Trại giam Kim Sơn)

 

“Nếu mình cứ luôn nhìn khuyết điểm của mình, thì sẽ không ai thấy được ưu điểm của bạn nữa. Vì vậy, hãy đặt niềm tin vào chính mình, đấy là yếu tố quyết định sự thành công…” - bà Đỗ Thị Minh Thủy, 57 tuổi, cựu phạm nhân của Trại giam Kim Sơn, đã chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.

Bà Thủy quê ở TP Hồ Chí Minh, đang sống tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), từng học ngành sư phạm. Năm 1993, bà bị kết án 10 năm tù trong một vụ án kinh tế, rồi bị chồng bỏ khi đang thụ án. Năm 2003, bà ra tù, mở công ty dịch vụ du lịch và hiện khá thành công. Bài viết “Người trở về từ cõi chết” của bà đã đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi “Nét bút tri ân” do Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức, kể về một “người thầy” ở Trại giam Kim Sơn, người đã giúp đưa bà từ “cõi chết” trở về bằng cách gieo vào bà niềm tin vào cuộc sống. Bà tâm sự: “Niềm tự hào lớn nhất của tôi là bốn đứa con đều đã phương trưởng, ngoan ngoãn. Người muốn hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống phải nỗ lực nhiều lần, và phải vượt qua cho được rào cản từ chính mình”.

Đối với hàng ngàn phạm nhân đang thụ án tại nơi này, điều họ quan tâm nhất, có lẽ không gì khác hơn là sẽ được gia đình, cộng đồng, xã hội đón nhận ra sao sau khi đã mãn hạn tù. Đây là một trong những yếu tố quyết định việc họ sẽ hoàn lương với thái độ như thế nào. Nhưng trước hết, để làm lại cuộc đời, mỗi phạm nhân phải cần vượt qua chính mình, dũng cảm đứng dậy ở nơi mình vấp ngã, để tự khẳng định lại mình trong xã hội. Và, không thể thiếu một gia đình luôn yêu thương, chở che, động viên, an ủi.

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần nâng cao nhận thức trong phòng cháy chữa cháy rừng  (25/07/2012)
Những cung đường đen ở Quy Nhơn  (25/07/2012)
Khiển trách bác sĩ liên quan đến vụ sản phụ tử vong   (25/07/2012)
Chưa kịp tiêu hết  (25/07/2012)
Vận động đối tượng đầu thú  (25/07/2012)
Xử lý nổ an toàn 2 quả bom cỡ lớn  (24/07/2012)
Kết thúc thắng lợi chuyên án cướp giật  (23/07/2012)
Kết cục đau lòng từ tình yêu mù quáng  (23/07/2012)
Đi bộ bị xe tông   (23/07/2012)
Tạm giữ đối tượng chống người thi hành công vụ  (23/07/2012)
Quản lý chất thải nguy hại còn bị bỏ ngỏ  (23/07/2012)
Cháy hơn 5 ha rừng trên núi Bà Hỏa  (22/07/2012)
“Ngăn ngừa cái xấu nảy sinh, khơi dậy sự hướng thiện của người trẻ”  (21/07/2012)
Bắt đối tượng có lệnh truy nã  (21/07/2012)
Dùng kim tiêm tấn công trinh sát  (20/07/2012)