Tại Trại giam Kim Sơn, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, hàng năm có khoảng 700 phạm nhân được ra tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng. Với họ, tìm được một công việc thích hợp là không dễ dàng nếu như thiếu sự hỗ trợ từ phía gia đình, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội…
Những trường hợp “hòa nhập” thành công
Ở tuổi 40, anh N.V.C. là một doanh nhân thành đạt. Hiện anh là giám đốc của một công ty dịch vụ vận tải tại TP Đà Nẵng, đã kết hôn và có một con trai 3 tuổi. Thế nhưng, mấy ai biết rằng cách đây 19 năm, khi đang là sinh viên năm cuối ngành ngoại thương của một trường ĐH tại Đà Nẵng, C. “dính” vào một vụ án vận chuyển tiền giả, phải chịu mức án 15 năm tù. “Nhờ cải tạo tốt, tôi được đặc xá trước thời hạn. Thụ án được 7 năm, 8 tháng, 23 ngày thì tôi về nhà. Đó là năm 2005, dù được gia đình động viên hỗ trợ, nhưng tôi không khỏi mang mặc cảm tự ti, thua sút khi thấy các bạn đồng trang lứa ngày xưa đã công thành danh toại, còn mình lại bắt đầu từ con số không”- C. tâm sự.
|
Các phạm nhân xem tờ thông tin việc làm trong buổi tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng tìm kiếm việc làm do Trại giam Kim Sơn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên tổ chức. |
Ban đầu, anh C. làm nhân viên nhà hàng, rồi chuyển sang kinh doanh ngành hàng viễn thông, sau đó là mở công ty chuyên về dịch vụ vận tải. Không dừng lại đó, năm 2008, anh đăng ký học lại ĐH và vừa lấy bằng ĐH Quản trị kinh doanh cách đây vài tháng. Anh chia sẻ: “Để có được những thành quả như ngày nay, tôi đã cố gắng rất nhiều, cộng thêm sự hỗ trợ từ gia đình. Tôi nghĩ, trong hành trình hoàn lương, phải luôn khắc cốt ghi tâm 3 chữ: Kiên trì, nghị lực và bản lĩnh…”.
Anh C. được mời đến dự Hội nghị Gia đình phạm nhân do Trại giam Kim Sơn tổ chức với tư cách là phạm nhân hoàn lương thành đạt. Trường hợp của anh thuộc diện tiêu biểu trong số hàng ngàn phạm nhân từng thụ án ở Trại giam đã hòa nhập cộng đồng thành công.
Một trường hợp điển hình khác là anh Võ Văn Thống, 42 tuổi, ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Trong thời gian thụ án tại Trại giam Kim Sơn, anh Thống học được nghề mộc và được đặc xá tha tù trước thời hạn. Trở về địa phương, anh được Hội Phụ nữ, Công an xã và chính quyền địa phương hỗ trợ, cho mượn tiền để xây nhà, cho vay vốn không lãi suất mở xưởng mộc. Xưởng mộc của anh Thống hiện có khoảng 10 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Anh tâm sự: “Nếu không có sự giúp đỡ và tấm lòng bao dung, nhân ái của cán bộ và nhân dân địa phương, không biết bây giờ vợ chồng, con cái sẽ ra sao...”.
Trăn trở tìm việc
Trong buổi tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng tìm kiếm việc làm cho các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, do Trung tâm Dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên (thuộc Tỉnh đoàn) phối hợp với Trại giam Kim Sơn tổ chức, khi tôi đưa câu hỏi thăm dò “Anh, chị cần gì sau khi ra trại?” cho một số phạm nhân, câu trả lời chung nhất vẫn là: “Một việc làm thích hợp”.
|
Phạm nhân Trại giam Kim Sơn nhận tiền hỗ trợ trước khi trở về địa phương. |
Vậy làm thế nào để tìm được việc làm thích hợp? Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, tư vấn: “Hãy tìm đến các Trung tâm dạy nghề để học nghề, tìm việc làm; hoặc tìm việc có liên quan đến nghề nghiệp, công việc mình đã làm trước đây…”.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, sau khi mãn hạn tù, nhiều người rất khó tìm được việc làm, dù chỉ là công việc lao động phổ thông, bởi tâm lý e ngại của chủ sử dụng lao động, trong khi các nghề mà trại viên đang học và làm khi thụ án ở Trại giam Kim Sơn như: mộc, rèn, may mặc, cơ khí... cũng gần như trùng với các nghề đang được dạy tại các trung tâm dạy nghề trong tỉnh. “Từ lâu, chúng ta đã có chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho đối tượng thanh niên xuất ngũ, người nghèo..., nhưng vẫn chưa có chính sách đối với phạm nhân hoàn lương…”- ông Hiệu trăn trở.
Nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có nhu cầu dạy nghề, truyền nghề cho các phạm nhân, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện…
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn. |
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Phó Giám thị Trại giam Kim Sơn, nhận xét: “Cho đến nay, việc các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội dành sự quan tâm đúng mức với đối tượng phạm nhân đã chấp hành án xong trở về địa phương, vẫn còn nhiều hạn chế. Tôi hy vọng trong thời gian tới, tình hình này sẽ được cải thiện nhiều hơn khi Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, được thực hiện một cách nghiêm túc”.
Trại giam chỉ có trách nhiệm giam giữ, cải tạo phạm nhân trong thời gian họ chấp hành án phạt tù. Còn phạm nhân sẽ trở thành người như thế nào sau khi tái hòa nhập cộng đồng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Trong đó, yếu tố có việc làm và một môi trường làm việc thuận lợi sẽ giúp cho người mới ra tù chí thú làm việc, gạt bỏ quá khứ lỗi lầm. Nhưng, trong không ít vụ án được đưa ra xét xử, nhiều bị cáo đã từng vào tù, ra tù lại tiếp tục phạm tội chỉ vì lý do không có việc làm ổn định, bị xã hội kỳ thị...
Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của người đã từng vi phạm pháp luật, thì sự quan tâm hỗ trợ từ phía các tổ chức đoàn thể, xã hội, chính quyền địa phương, sẽ là “chất xúc tác” góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hoàn lương, hướng thiện của họ.
|