Từ đầu năm 2012 đến nay, có 115 đối tượng truy nã bị bắt và được vận động ra đầu thú. Để đưa những người phạm tội đang lẩn trốn vào trại giam chờ ngày phán xét của pháp luật, lực lượng truy lùng tội phạm đã có mặt ở hầu hết các miền của Tổ quốc và luôn phải đối mặt với bao gian khổ, nguy hiểm khó lường.
Thượng tá Trần Minh Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an (CA) tỉnh, cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, Phòng đã tham mưu Giám đốc CA tỉnh mở 2 đợt truy bắt, vận động đối tượng truy nã đầu thú với quy mô toàn diện, rộng khắp, huy động đông đảo các lực lượng tham gia. Trong đó, Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ gắn với công tác vận động quần chúng, triển khai hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ truy lùng tội phạm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Có những chuyến công tác mà trinh sát phải cơ động sử dụng mô tô từ Quy Nhơn vào TP Hồ Chí Minh và đến các tỉnh, thành phố Nam bộ để xác minh, truy lùng tội phạm.
|
Bình Định hiện còn gần 150 đối tượng truy nã lẩn trốn khắp nơi. Việc tham mưu đề ra kế hoạch, biện pháp kịp thời góp phần quan trọng trong công tác truy lùng tội phạm.
- Trong ảnh: Tổ tham mưu Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh đề xuất lãnh đạo Phòng về kế hoạch truy bắt tội phạm. Ảnh: Kim Dũng |
Nỗ lực của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm đã mang lại kết quả tích cực. Từ tháng 1 đến tháng 7.2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã truy bắt 28 đối tượng và vận động 3 đối tượng đầu thú. Trong số 31 đối tượng trên, có 2 đối tượng truy nã đặc biệt và nhiều đối tượng lẩn trốn nhiều năm. Điển hình như Võ Tấn Dũng (SN 1957) bị Trại giam Sông Cái, Bộ CA (đóng tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) truy nã về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ” từ ngày 30.7.1984. Sau khi bỏ trốn, Dũng đã đổi tên thành Nguyễn Văn Chín, có vợ sinh con và tạo vỏ bọc để che giấu nhân thân nhưng sau 28 năm đã bị phát hiện và bắt giữ.
Ngoài số đối tượng do Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh trực tiếp truy bắt, CA các đơn vị, địa phương đã truy bắt trên 80 đối tượng. Trong đó, giữa tháng 6.2012, qua điều tra chuyên án cướp tài sản, CA thị xã An Nhơn đã triệt phá băng tội phạm gồm 15 đối tượng từ 17 đến 20 tuổi và làm rõ trên 70 vụ trộm, cướp, cướp giật tài sản do các đối tượng này gây ra. Trong số đối tượng trên, Bùi Thanh Tấn (SN 1995, ở khu vực Vĩnh Liêm, phường Bình Định) bỏ trốn khỏi địa phương, bị CA thị xã An Nhơn ra quyết định truy nã và cử trinh sát xác minh, truy lùng đến TP Hồ Chí Minh mới bắt được.
Cùng với việc xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh truy lùng đối tượng truy nã, CA còn tiến hành các biện pháp như: Gửi thư, kiên trì trực tiếp gặp gỡ gia đình các đối tượng giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước, hướng dẫn họ vận động con em ra đầu thú..., cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thể và nhân dân, từ đó đã vận động trên 30 đối tượng ra đầu thú. Điển hình như trường hợp Lê Văn Hướng (SN 1978, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) bị Cơ quan CSĐT CA huyện Hoài Nhơn truy nã về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” vào tháng 7.2011, đến tháng 6.2012 đã được người nhà đưa từ TP Hồ Chí Minh về đầu thú.
Đối tượng truy nã, nhất là những đối tượng bị truy nã đặc biệt trong lúc trốn tránh pháp luật luôn cảnh giác, sẵn sàng chống lại CA và những người truy bắt chúng. Mặt khác, trong thời gian giả làm người lương thiện, các đối tượng cũng dễ dàng bộc phát bản chất tội phạm, tiếp tục phạm tội khi có cơ hội. Vì vậy, việc truy bắt đối tượng truy nã không chỉ đưa chúng ra chịu tội trước pháp luật mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm.
|