Từ đầu năm 2012 đến nay, 6/7 vụ vi phạm pháp luật xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh là do thanh thiếu niên (TTN) gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng này thiếu sự quan tâm của gia đình, thường xuyên tụ tập uống rượu, gây rối trật tự, đánh nhau; hoặc mê trò chơi điện tử, từ đó nảy sinh trộm cắp để có tiền tiêu xài.
Vụ mới đây nhất là rạng sáng ngày 20.7.2012, tại khu vực thôn Định Tân và Định Thiền (thị trấn Vĩnh Thạnh), các tên: Phạm Công Quốc (18 tuổi, ở thôn Định Bình), Phan Công Trung (15 tuổi), Nguyễn Văn Nắng (16 tuổi) cùng ở thôn Định Thiền, lợi dụng sơ hở của các chủ xe đã tháo 5 bình ắc quy xe ô tô đậu trước nhà không có người trông coi, bán lấy tiền tiêu xài. Trước đó, bọn chúng cũng đã nhiều lần đột nhập vào nhà dân trộm cắp tài sản. Vụ việc đang được cơ quan CA tiếp tục điều tra.
|
Một số đối tượng trong băng nhóm TTN chuyên ăn cắp bình ắc quy ô tô mà CA Vĩnh Thạnh bắt được. |
Một vụ điển hình khác trước đó là vào lúc 14 giờ ngày 6.12.2011, tại nhà bà Đinh Thị Thấp ở làng K6, xã Vĩnh Kim, chỉ vì Nguyễn Văn Tùng (SN 1987) từ chối uống bia, giữa Tùng và Đinh Lướt xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Kết cục, Lướt bị Tùng dùng dao chém 5 nhát liên tiếp và bị thương tích với tỉ lệ thiệt hại 70% sức khỏe.
Theo thống kê của CA Vĩnh Thạnh, 8 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn huyện xảy ra 7 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có 6 vụ/12 đối tượng là do TTN gây ra. Năm 2011, huyện có 9/11 vụ vi phạm pháp luật do TTN gây ra, với 15 đối tượng tham gia.
Thượng tá Phan Văn Kết, Phó CA huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tình trạng TTN vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thiếu sự quan tâm của gia đình nên thường xuyên tụ tập uống rượu, gây rối trật tự, đánh nhau. Cũng có những đối tượng mê chơi điện tử, khi không có tiền đã nảy sinh trộm cắp để thỏa mãn tiêu xài”.
Thực tế cho thấy, nguyên căn của hầu hết các vụ việc trên, ngoài sự bồng bột của tuổi trẻ, còn là do TTN thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu việc làm ổn định nên thường xuyên tụ tập uống rượu, gây rối…
Theo Thượng tá Phan Văn Kết, để giải quyết dứt điểm những sự việc trên, chính quyền địa phương cần đưa ra những hình phạt răn đe TTN vi phạm như: Kiểm điểm trước dân, quản lý giáo dục tại cộng đồng; đồng thời tạo cơ hội để số TTN hư hỏng sửa chữa lỗi lầm; hướng dẫn, tạo việc làm để tránh tình trạng tụ tập ăn chơi lêu lổng; các đoàn thể cần tổ chức nhiều hoạt động tập thể để thu hút sự tham gia của TTN. Đối với số TTN chậm tiến, chính quyền cần tăng cường giáo dục pháp luật và tiến hành các biện pháp giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái của họ. Về phía gia đình, những người làm cha, làm mẹ cần quan tâm hơn trong công tác quản lý, giáo dục con em; cần gần gũi con cái để có sự tư vấn, khuyên bảo đúng lúc.
|