Sống với nhau không đặng, vợ chồng ly hôn. Nhiều đôi vợ chồng đã không tự thỏa thuận về phân chia tài sản chung mà phải nhờ đến tòa phân xử. Đoạn trường từ cấp sơ thẩm lên đến phúc thẩm mới thấy nghĩa tào khang đôi lúc nhẹ như bấc…
|
Một phiên tòa phúc thẩm xử ly hôn (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
|
“Tình hết, hỏi chứng lý đâu”
Trong phiên tòa xử phúc thẩm, đôi vợ chồng trẻ Thâm và Quỳnh (*) đều có người hộ tống. Ngoài Thâm (tên người chồng), còn có cha mẹ ruột, vợ chồng người chú- người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Còn người vợ trẻ tên Quỳnh thì cha mẹ luôn kè kè một bên…
Họ kết hôn năm 2007, năm 2010 ly thân vì thiếu sự thông cảm, hiểu nhau dù họ đã yêu nhau đến 6 năm trước khi cưới. Quỳnh bỏ về nhà cha mẹ đẻ từ khi đứa con trai còn chưa biết ngồi, giao con cho bên chồng nuôi dưỡng. Tòa sơ thẩm tuyên xử Thâm được quyền nuôi con, hai vợ chồng có trách nhiệm phải trả 3 cây vàng 24K đã mượn của ông chú ruột để mua xe, chia đều mỗi người trả 15 chỉ vàng 24K. Quỳnh kháng cáo vì cho rằng mình không liên quan đến việc mượn nợ.
Tại phiên xử phúc thẩm, chú thím của Thâm khai: “Vợ chồng nó hỏi mượn vàng để hùn mua xe tải. Bởi là chỗ ruột thịt, tôi đã giao 3 cây vàng mà không bảo tụi nó viết giấy biên nhận gì. Chính ông ngoại Thâm dẫn hai tụi nó đi bán vàng…”. Còn Quỳnh trước sau vẫn khẳng định không biết, không liên quan.
Phiên tòa diễn ra trong căng thẳng. Người chồng trẻ nói rằng việc mượn vàng là do hai vợ chồng cùng thỏa thuận, cùng lên nhà ông chú ở Tây Sơn mượn, nhưng không thể trưng ra chứng cứ, chứng lý nào để chứng minh việc đó. Nói được vài câu với HĐXX, anh ta lại quay sang gia đình vợ… đòi đánh, gọi cha mẹ vợ bằng thằng nọ con kia. Đỉnh điểm mâu thuẫn được đẩy lên cao, buộc lực lượng hỗ trợ tư pháp giải Thâm ra ngoài, HĐXX dừng làm việc, chờ bị đơn “hạ hỏa”.
Tòa tuyên xử Thâm phải trả nợ 3 cây vàng vì không có chứng cứ chứng minh. Khán phòng lại một phen nữa huyên náo bởi sự phản ứng của phía bị đơn. Phiên tòa bế mạc đã lâu nhưng gia đình vợ vẫn không dám ra về vì sợ bị đánh...
Sự thật đúng - sai thế nào, chỉ có người trong cuộc hiểu rõ. Người ngoài đi xem tòa xử chỉ thấy rằng, nghĩa tào khang sao mà quá nhẹ…
Chỉ họ mới biết ai giữ vàng?
Đó là câu hỏi mà HĐXX đã hỏi đi hỏi lại đôi vợ chồng một thuở Quân và Trang ở thị xã An Nhơn. “Vàng là do cô ấy giữ!” - người chồng tên Quân khẳng định. Còn vợ cũng kiên quyết không kém: “Vàng tôi để ở trong túi xách, khi tôi đang nằm viện thì anh Quân mang cái túi đó về quê”.
Họ biết nhau do mai mối. Một tháng kể từ ngày biết nhau, họ kết hôn để rồi 4 tháng sau chia tay. Của hồi môn cha mẹ hai bên cho trong ngày cưới được 1 cây vàng 24 K. Khi vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, họ bán đi 2 chỉ, còn lại 8 chỉ. Ở cấp sơ thẩm, nhiều lần Trang khai là vàng do mình giữ, nên tòa tuyên xử Trang phải có nghĩa vụ thối lại cho chồng 4 chỉ vàng. Nhưng sau đó, cô kháng cáo, thay đổi lời khai, nói vàng do Quân giữ.
Anh chồng kể tội vợ: “Trời nóng, tôi bật quạt cho mát, cô ấy chạy lại tắt, nói tốn điện. Tôi bật lại, cô ấy đến tắt, cứ thế ba lần. Bực quá, tôi lấy chổi đánh vào chân cô ấy, cô ấy lấy ổ khóa đập vào đầu tôi chảy máu. Sẹo hãy còn đây”. Vợ cũng không vừa, tố chồng: “Đêm nào anh ấy cũng vô cớ đánh đập tôi…”.
Cả khán phòng không nín được cười khi nghe đôi vợ chồng kể tội nhau, rồi người nọ đổ qua người kia giữ vàng. Chủ tọa phiên tòa gặng hỏi: “Rốt cuộc thì ai giữ vàng đây? Ai cũng nói mình không giữ, vậy thì một trong hai người phải có người khai gian”. Cả hai im lặng.
Vị đại diện Viện KSND khuyên người chồng: “Mình thanh niên, sức dài vai rộng. Thôi thì chịu thiệt một chút, coi như đền bù cho cô ấy, đừng tranh chấp chi nữa…”. “Chịu là chịu làm sao. Thanh niên sức dài vai rộng thì cũng phải làm lụng vất vả chớ. Cô ấy phải trả cho tôi 4 chỉ vàng” - người chồng đáp lại. Tòa tuyên y án sơ thẩm: Trang phải trả cho Quân 4 chỉ vàng cưới.
Không biết họ có tự thu xếp với nhau được không, hay phải nhờ đến cơ quan thi hành án.
Hết tình xin đừng quên nghĩa
Vợ chồng sống với nhau không đặng thì ly hôn. Nhiều cặp vợ chồng tự thỏa thuận được với nhau về quan hệ hôn nhân, quan hệ con cái, song lại không thể tự thỏa thuận trong việc chia tài sản, đành phải nhờ đến pháp luật phân xử. Cấp sơ thẩm xử không thỏa mãn, họ lại đưa nhau lên cấp phúc thẩm, cò kè so sánh thiệt hơn như trả giá một món hàng. Thậm chí có đôi vợ chồng còn đòi chia nhau từng đôi đũa, cái chén, cái bát.
Có lẽ, quá ngán ngẩm vì cách hành xử thiếu tình của chính những người đã từng một thời “đầu gối tay ấp” với nhau trong các vụ tranh chấp tài sản khi ly hôn, mà một thẩm phán đã nói vui rằng: “Nay mai dựng vợ gả chồng cho con, cho con cái gì thì cũng phải viết giấy biên nhận. Phòng khi vợ chồng nó ly hôn, tranh chấp tài sản thì cũng có chỗ mà gỡ được…”. Ai cũng công nhận lời khuyên đó không phải là không có lý, song xét về tình lại thấy hơi lấn cấn thế nào. Tình nghĩa vợ chồng, lẽ nào lại nhẹ thế. Hết tình vẫn còn nghĩa, còn con cái ràng buộc với nhau.
Tiếc là, ở chốn công đường lại cho thấy một thực tế khá phũ phàng của những cặp vợ chồng khi hôn nhân không đạt được mục đích. Có người tranh cho bõ ghét; người lại tiếc công mình chắt chiu dành dụm nên nhất định đòi phần hơn. Họ, trong cuộc tranh giành, hơn thua về tài sản, hình như đã quên mất những đứa con, đối tượng bị tổn thương nhất trong cuộc ly hôn. Nếu như chúng biết được cha mẹ chúng đã từng tranh giành, hơn thua từng chút một về tài sản, chúng sẽ nghĩ ra sao.
“Chỉ mong rằng người lớn hãy đặt lợi ích của con lên trước lợi ích của mình, thanh thản mà nghĩ rằng mình chịu thiệt một chút vì con cũng được. Hãy cố giữ một hình ảnh đẹp đẽ, cao thượng của ông bố, bà mẹ trong mắt con”- một vị hội thẩm nhân dân đã nói vậy trong một phiên tòa ly hôn.
(*): Vì lý do tế nhị, tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
|