Để ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự (THADS) của người phải thi hành án (THA) - đang có chiều hướng gia tăng, các cấp, các ngành đã có các quy định cụ thể. Tuy nhiên, để áp dụng các quy định hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.
Tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THA
Theo số liệu sơ bộ của các cơ quan THADS trong tỉnh, toàn tỉnh hiện có 61 vụ, việc mà người phải THA đã tẩu tán tài sản trước, trong và sau khi có bản án, quyết định của tòa án.
Nhiều trường hợp, đương sự biết trước việc phải THA nên đã dùng mọi mánh khóe để tẩu tán tài sản thuộc sở hữu của mình ở giai đoạn tòa án đang thụ lý, giải quyết. Đến khi có bản án, quyết định của tòa án thì họ không còn tài sản, điều kiện để THA. Hoặc khi đã có bản án, quyết định của tòa án, quyết định THA của cơ quan THADS nhưng người phải THA bằng mọi cách cố tình chuyển dịch, tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THA.
|
Một vụ cưỡng chế THA. |
Đơn cử như trường hợp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thu, bà Nguyễn Thị Thảo (trú thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức, Hoài Nhơn), phải THA với số tiền 320 triệu đồng, theo QĐ số 16/QĐ-DSST ngày 19.3.2012 của TAND huyện Hoài Nhơn. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định của tòa án, ông Thu, bà Thảo đã nhanh chóng tẩu tán, bán chiếc ôtô tải biển kiểm soát 77H-5317 đứng tên ông Nguyễn Văn Thu để trốn tránh nghĩa vụ THA.
Hay vụ vợ chồng ông Phạm Ngọc Tuấn, bà Huỳnh Thị Ngọc Cúc (ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) phải thi hành số tiền trên 114 triệu đồng theo Bản án số 131/DSST ngày 13.9.2011 của TAND huyện Tuy Phước, nhưng đã nhanh tay bán 2 ngôi nhà thuộc sở hữu của mình để trốn tránh nghĩa vụ THA.
Nhiều bản án, quyết định như trên vẫn đang bị “treo” lơ lửng, tồn đọng bởi cơ quan THADS chưa có biện pháp xử lý.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Khoản 1, Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14/2010/TT-LT ngày 26.7.2010 của Bộ Tư pháp - Viện KSND tối cao - TAND tối cao, quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA...”.
Cơ sở pháp lý thì đã rõ như vậy, nhưng trên thực tế, việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản trong những trường hợp này rất phức tạp và khó thực hiện.
Bởi theo quy định của pháp luật về thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản và hiện tại hợp đồng mua bán tài sản đã có hiệu lực, việc xử lý tài sản kê biên cần phải có sự phán quyết của tòa án để xác định quyền sở hữu của tài sản đã bán. Nếu tòa án xác định sở hữu tài sản của người phải THA thì cơ quan THADS mới tổ chức thi hành. Nếu tòa án chưa xác định sở hữu thì cơ quan THADS không thể xử lý tài sản để THA.
Về việc này, thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, tòa án cho rằng, việc đưa ra tòa để xác định quyền sở hữu của tài sản đã bán làm cơ sở cho cơ quan THA xử lý tài sản kê biên mới được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012. Hiện tại, tòa án cũng đã thụ lý một số trường hợp nhưng chậm giải quyết do việc xác minh nguồn gốc tài sản và hợp đồng giao dịch giữa các bên mua mất nhiều thời gian. Trong khi đó, cơ quan Viện KSND và chính quyền địa phương thì đề nghị cơ quan THADS căn cứ vào các quy định của Thông tư liên tịch số 14/2010/TT-LT tiến hành xử lý tài sản đã kê biên để THA.
Theo ông Nguyễn Văn Hay, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, vấn đề tẩu tán tài sản trong THADS ở tỉnh ta hiện nay gia tăng. “Để thực hiện tốt vấn đề này, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan THADS có biện pháp xử lý phù hợp, có tiếng nói chung, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác THADS trên địa bàn”, ông Hay nói.
|