Theo TAND huyện Vân Canh, tình trạng ly hôn ở huyện đang có xu hướng tăng lên mỗi năm. Đáng chú ý, trong hai năm trở lại đây, TAND huyện thụ lý khá nhiều đơn xin ly hôn của người dân tộc thiểu số…
Thống kê của TAND huyện Vân Canh cho thấy, nếu như năm 2010 chỉ có 3 cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số xin ly hôn, thì năm 2011 là 7 vụ. Trong 8 tháng đầu năm 2012 là 6 vụ.
Bà Nguyễn Thị Vân Khánh, Phó Chánh án, phụ trách Dân sự TAND huyện Vân Canh, cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phần lớn số vụ do phụ nữ chủ động xin ly hôn là do bị chồng ngược đãi, đánh đập hoặc chồng rượu chè bê tha, không quan tâm đến gia đình vợ con. Hoặc, xuất phát từ những mâu thuẫn khác trong gia đình.
|
Đôi vợ chồng ở làng Cà Xim, xã Canh Thuận cùng làm cỏ mì. Ảnh: HẠNH PHÚC |
Bà Khánh đơn cử - “Một trường hợp tôi trực tiếp giải quyết là một phụ nữ ở làng Suối Đá, xã Canh Hiệp xin ly hôn vì chồng thường xuyên uống rượu xay xỉn; thậm chí khi vợ đi bệnh viện thì ông chồng vẫn chứng nào tật nấy, không quan tâm đến bệnh tình của vợ. Chúng tôi đã đến tận nơi chị đang điều trị để động viên chị rút đơn về, nhưng chưa thấy chị ấy quay trở lại. Hay như trường hợp một đôi vợ chồng khác ở xã Canh Hòa, vì mỗi lần chồng uống rượu say lại đòi giết vợ, nên người vợ xin ly hôn… ”.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp đồng bào người dân tộc thiểu số tự ly hôn theo lệ làng, chỉ khi nào liên quan đến con cái, tài sản thì mới nhờ đến tòa án phân giải theo pháp luật. Cũng có những trường hợp vợ chồng tự ly hôn, sau đó một trong hai người hoặc cả hai lấy chồng, vợ mới, sinh con ra nhưng không đăng ký khai sinh được cho con, lúc bấy giờ mới đến tòa án xin ly hôn với chồng, vợ cũ.
Việc các cặp vợ chồng lấy nhau có đăng ký kết hôn, muốn ly hôn thì đến tòa nhờ giải quyết cho thấy trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó cũng cho thấy sự tác động tiêu cực của xã hội đã len lỏi vào cuộc sống của họ.
Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vân Canh, đồng thời là Hội thẩm nhân dân TAND huyện, nhận xét: “Thời gian qua, qua các chương trình lồng ghép, Hội LHPN thị trấn đã tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình cho bà con biết nên nhận thức của họ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng tác động bên ngoài là một trong những nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, thậm chí ly hôn của một số gia đình”.
Chẳng hạn như tại làng ĐăkĐâm (thị trấn Vân Canh), nhờ nghề rừng mà đời sống kinh tế của người dân trong làng phát triển khá. Tuy nhiên, bởi đi làm rừng xa nhà lâu ngày, nên có trường hợp chồng, vợ phát sinh quan hệ “ngoài luồng”, khiến gia đình lục đục. “Một số cặp vợ chồng đòi bỏ nhau, xin ly hôn nhưng qua công tác vận động, hòa giải, Hội LHPN thị trấn đã giải quyết êm thấm”- bà Nam nói.
Một cán bộ phụ nữ xã Canh Thuận cho biết thêm, trước tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng, Hội phụ nữ xã cũng đã hòa giải và tuyên truyền cho họ thấy việc ly hôn vì những lý do không đáng không chỉ làm mất đi những giá trị đạo đức truyền thống mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn rất khó thuyết phục, nhất là những cặp vợ chồng kết hôn do gia đình ép buộc thì chỉ cần một tác động xấu, dù là rất nhỏ cũng sẽ dẫn đến ly hôn.
|