Giảm án, tha tù nhân dịp Quốc khánh 2.9:
Chuyện ghi bên ngoài song sắt
21:5', 31/8/ 2012 (GMT+7)

Thật tình cờ, đợt giảm án, tha tù nhân dịp Quốc khánh 2.9 năm nay trùng vào dịp Lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7 âm lịch). Nói như lời một phạm nhân thì hành động trả hiếu cho đấng sinh thành lúc này, không gì ngoài việc cải tạo, chấp hành tốt nội quy, kỷ luật của Trại để sớm được về nhà, trở thành người có ích cho xã hội.

1. Sáng 30.8, kết thúc buổi lễ công bố quyết định tha tù, giảm án tại Trại giam Kim Sơn (thuộc Bộ Công an, đóng tại Ân Nghĩa, Hoài Ân), cũng là lúc 60 phạm nhân được trở về nhà. Bước ra khỏi cổng trại, họ đã là người tự do, lại là một công dân như bao người khác. Ngoài cổng là những ông bố, bà mẹ, vợ, con chờ họ từ sớm. Một người mẹ nắm lấy tay cậu con trai: “Về với má nghen con, đừng nghe lời bạn bè xấu rủ rê nữa”.

 

Các phạm nhân nhận tiền hỗ trợ tàu xe trước khi rời khỏi Trại giam Kim Sơn ngày 30.8.

Trước khi về với đời thường, phạm nhân Lê Tạo, 48 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự: “Những tháng ngày ở đây đã giúp tôi hiểu ra rằng sống là phải tuân thủ theo kỷ cương phép nước. Về nhà tôi hứa sẽ sống đàng hoàng, lương thiện”. Ông Tạo bị kết án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhờ cải tạo tốt mà ông đã được giảm án 3 lần, tổng cộng được 28 tháng 12 ngày. Giờ đây, vợ và ba đứa con đang nóng lòng chờ ông ở quê nhà.

2. Những lần lên Trại giam Kim Sơn công tác, đập vào mắt tôi ngay trước cổng Trại là Nhà thăm gặp phạm nhân, lúc nào cũng có nhiều người đang chờ gặp thân nhân của mình. Các chiến sĩ, cán bộ làm việc ở đây cho biết, nhiều nhất vẫn là các ông bố, bà mẹ. Cả đời chắt chiu, dành dụm cho con nhưng vì một lý do nào đó, con lại đi chệch hướng cuộc đời. Một lần nữa, thậm chí có người đã nhiều lần, lại tiếp tục cưu mang khi con vào tù ra tội.

Nhắc đến tình mẹ, trung sĩ Nguyễn Thanh Phúc, làm việc tại Đội giáo dục, thuộc Trại giam Kim Sơn, nói rằng anh vẫn không thôi bị ám ảnh bởi hình ảnh một bà mẹ nghèo ở xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, hàng tháng vẫn đều đặn gò lưng đạp xe lên thăm con là phạm nhân Nguyễn Văn Nguyên đang thụ án tại đây.

Nhà bà chắc nghèo lắm, lại chẳng còn người thân nào vì những năm qua chỉ có người mẹ ấy đi thăm nuôi con mình mà thôi. Chiếc xe đạp cọc cạch dường như cũng không còn đủ sức để cõng một người ốm yếu như bà từ tháng nọ sang tháng kia. Thậm chí có lúc, bà phải mang theo chiếc bơm hơi phòng khi xe giở chứng. Sức yếu nên dù đi từ sáng sớm thì bà vẫn không kịp thăm con trong buổi sáng, đành phải đợi đến đầu giờ chiều. Để rồi gặp con chừng một tiếng, người mẹ ấy lại quày quả ra về vì sợ trời tối, không thấy đường đi. Quà lên thăm con của bà chỉ là vài con cá nục kho mặn, vài ba gói mì tôm. Có lúc bà dấm dúi cho con 20.000 đồng, 50.000 đồng. Chắc hẳn, ngoài tình mẹ bao la, đấy là tất cả những gì bà có được.

“Nhìn cảnh bà liêu xiêu trong màn mưa chiều dày đặc, chỉ có manh áo mưa mỏng mảnh che người, đôi lúc chúng tôi cũng không khỏi ngậm ngùi. Quả thật chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng mới làm được điều ấy… ”- trung úy Phúc xúc động kể.

Đại tá Thân Hùng Hạnh, Giám thị Trại giam Kim Sơn:

Thời gian qua, Trại giam Kim Sơn đã làm tốt việc hợp tác với các gia đình phạm nhân trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân. Sự quan tâm, lo lắng của gia đình là một điểm tựa vững chắc để họ an tâm cải tạo tốt, sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.

3. Trong Hội nghị gia đình phạm nhân do Trại giam Kim Sơn tổ chức vào tháng 7 vừa qua, nhiều bà mẹ đã bỏ công việc đồng áng, làm ăn, đến dự hội nghị, tranh thủ thăm con. Bà Lương Thị Lan, ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, mẹ của phạm nhân Đinh Thanh Thảo (16 tuổi) chịu án 7 năm tù, cho biết: “Chồng tôi chết đã lâu, anh nó thì đi học xa nhà nên hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm. Vài ba tháng tôi mới thu xếp lên thăm con một lần, gom góp mãi mới đủ vài ba trăm ngàn đồng cho con. Cũng có khi chỉ đủ tiền mua cho nó đôi dép, bộ quần áo lót. Con dại cái mang, bỏ nó lúc này lại càng không thể. Tôi vẫn động viên con cố gắng để sớm trở về với gia đình”. Còn bà Bùi Thị Hồng ở xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, thì mân mê cầm tờ giấy thông báo tình trạng cải tạo của con mình, không thể nén được tiếng thở dài: “Nó thụ án đến 20 năm, giờ mới được 2 năm. Tôi thì đã 64 tuổi rồi, không biết có chờ nổi đến ngày con ra trại?”.

4. Tình cờ, đợt giảm án, tha tù nhân dịp Quốc khánh 2.9 năm nay cũng trùng vào dịp Lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7 âm lịch). Nói về mẹ, phạm nhân Phan Đỗ Ngọc Đức, 30 tuổi, nhà ở TP Quy Nhơn, thụ án 17 năm vì tội giết người từ năm 2005, bày tỏ nỗi niềm: “Mẹ là người hay lên thăm tôi nhất. Nghĩ lại, đến từng tuổi này tôi chưa làm được một việc gì cho mẹ vui lòng, ngoài nước mắt và đau khổ do tội lỗi tôi gây ra. Nhân dịp mùa Vu lan báo hiếu, tôi muốn gởi đến mẹ lời xin lỗi, hứa cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm được đặc xá tha tù trở về với mẹ”. Đức là một trong những phạm nhân cải tạo tốt, đã được giảm án 2 lần tổng cộng 15 tháng.

Một mùa Vu lan báo hiếu nữa lại về. Khác với những bậc sinh thành được con báo hiếu, những ông bố, bà mẹ có con đang thụ án tại đây không có được diễm phúc ấy. Đối với họ, con cải tạo tốt, để sớm trở về với gia đình đã là sự báo hiếu lớn nhất trong thời điểm này. Và, như lời của phạm nhân Đức, hành động trả hiếu cho đấng sinh thành của các phạm nhân, không gì ngoài việc cải tạo, chấp hành nội quy, kỷ luật của Trại để sớm về nhà, thành người có ích cho xã hội. 

  • THU HÀ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chạy quá tốc độ quy định, tự gây tai nạn  (31/08/2012)
Xã Mỹ Hòa 11 năm liền yên ổn  (31/08/2012)
Ô tô tải gây tai nạn  (31/08/2012)
Chồng xô vợ cũ xuống giếng, lãnh án 9 tháng tù  (31/08/2012)
Mua bán trái phép chất ma túy, 2 vợ chồng cùng vào tù  (31/08/2012)
Triệt phá băng trộm chó  (30/08/2012)
Hiệu quả tích cực từ những làng “ba không”  (30/08/2012)
Trường học bị trộm đột nhập  (30/08/2012)
Khởi tố 26 bị can về tội đánh bạc  (30/08/2012)
Nguy hiểm từ việc bẫy chuột bằng điện   (29/08/2012)
Không qua khỏi  (29/08/2012)
8 năm tù cho kẻ mua bán trái phép ma túy  (29/08/2012)
421 phạm nhân được tha tù, giảm án   (29/08/2012)
Nguy cơ trắng tay vì cho vay đáo hạn ngân hàng  (29/08/2012)
Vào tù vì chứa mại dâm  (29/08/2012)