Đã gần 5 năm kể từ ngày Nghị quyết 32/NQ-CP về việc đình chỉ lưu hành ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh có hiệu lực thi hành, nhưng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta, xe công nông vẫn ngang nhiên hoạt động...
Đa phần các chủ phương tiện xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh đều biết rõ về quy định cấm lưu hành loại xe này từ ngày 1.1.2008, tuy nhiên, họ vẫn lén lút sử dụng.
|
Xe công nông vẫn ngang nhiên hoạt động trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (ảnh chụp lúc 11 giờ, ngày 31.8.2012). |
Ra đường sợ nhất công nông!
Người dân ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) vẫn còn nhớ rõ khi nhắc đến vụ tai nạn giữa xe ô tô và xe công nông làm 2 người bị thương khá nặng, xảy ra vào khoảng 4 giờ sáng ngày 10.8. Nhiều người dân chứng kiến vụ việc cho biết, trên Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn thôn Nam Tượng 1, xe ô tô BKS 77H-6029, do Nguyễn Văn Tiền (SN 1988, ở huyện Hoài Ân) điều khiển, chạy lên hướng tỉnh Gia Lai, khi đến địa điểm trên đã tông vào xe độ chế cùng chiều, do anh Nguyễn Văn Thân cầm lái. Vụ va chạm đã làm anh Thân và chủ hàng ngồi trên xe công nông bị thương rất nặng.
Trước đó, ngày 11.6, tại đường bê tông thuộc địa phận thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ cũng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, do xe độ chế BKS 77K 0944 gây ra. Vào thời điểm này, Nguyễn Văn Thu, ở thôn Chánh Tường, xã Mỹ Thọ điều khiển xe độ chế chở theo con trai Nguyễn Hoàng Hà khi đến khu vực đèo Bà Nam thuộc thôn Gia Hội, xã Mỹ Phong, do không làm chủ tốc độ, mất lái nên xe đã bị lật ngã xuống đèo. Hậu quả cháu Nguyễn Hoàng Hà chết tại chỗ và anh Thu bị thương nặng. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe công nông gây ra trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Mỹ Trinh, nhà trên tỉnh lộ 631, nối liền huyện Hoài Ân, tỏ ra bức xúc: “Vào mùa thu hoạch nông sản hễ cứ “ra đường là gặp xe công nông”. Nhiều xe bộ phận thắng không an toàn, nhưng họ chạy bạt mạng lắm, làm người đi đường phát khiếp!”.
Phớt lờ lệnh cấm
Có mặt tại tuyến tỉnh lộ ĐT 639, đoạn qua địa phận thôn Xuân Bình, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ chưa tới 30 phút nhưng có đến 5 lượt xe công nông đi qua đây. Một tài xế chạy xe công nông chở cây bạch đàn từ xã Mỹ Chánh sang thôn Xuân Bình xã Mỹ Thành, cho hay: “Tôi biết Nhà nước đã cấm lưu thông loại xe này, nhưng do chủ yếu chạy trong thôn, xã nên tôi tranh thủ…”. Anh Ngô Văn Xuyên, một chủ xe công nông, kể: “Tôi đã ký cam kết với UBND xã không sử dụng, điều khiển xe công nông nữa, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện chuyển đổi phương tiện nên hàng ngày vẫn điều khiển xe công nông chở thuê đất, cát…”.
Theo một cán bộ Công an huyện Phù Mỹ, việc triển khai lệnh cấm lưu hành xe công nông gặp nhiều trở ngại. Nhiều người dân sử dụng phương tiện này phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, hoặc chở vật liệu xây dựng vào những đường hẹp, lựa lúc không có lực lượng tuần tra giao thông để hoạt động. Một số người dân đã bỏ xe ngay tại nơi phát hiện; lực lượng chức năng phải thuê phương tiện áp tải về đơn vị… quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ hoạt động trên các tuyến tỉnh lộ, do các cơ quan chức năng lơi tay kiểm soát, sau một thời gian “được ngó lơ”, xe công nông, xe độ chế 3, 4 bánh đã xuất hiện nhiều trở lại trên các quốc lộ. Chị Hoàng Thị Hoa, ở thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, phản ánh: “Ngày nào tôi cũng thấy có xe công nông chạy trên quốc lộ; xe chở đủ thứ, cồng kềnh, phát ra tiếng ồn, khói đen kịt. Không hiểu sao Nhà nước cấm hoạt động đã lâu, nhưng giờ vẫn thấy hoạt động trên đường khá nhiều”.
Thiếu tá Ngô Cự Vinh, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết: “Xe công nông, độ chế 3, 4 bánh đã bị cấm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn tình trạng người dân lén lút sử dụng loại xe tự chế này để chở hàng hóa và chở cả người. Nhằm đẩy lùi, xóa bỏ hoàn toàn việc lưu hành của loại xe này, lực lượng CSGT tỉnh và Công an huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức tuần tra kiểm soát phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh đang hoạt động và đề nghị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, để giải quyết triệt để vấn đề này, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật giao thông, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, vùng nông thôn khó khăn. Lực lượng Công an địa phương tăng cường phối hợp với chính quyền các xã, mạnh tay hơn nữa trong xử lý vi phạm. Có như vậy, Nghị quyết của Chính phủ mới thực sự phát huy hiệu quả.
|