Hôm rồi, khi nói về việc hòa giải vợ chồng ly hôn, chị cán bộ phụ nữ một xã của huyện Tuy Phước đã kể lại trường hợp khá buồn cười. Người vợ xin được ly hôn chỉ bởi vì không chịu được thói ở bẩn của chồng. Anh chồng cứ điềm nhiên mang cả mùi rượu bia, thịt thà, mắm tôm sau chầu nhậu túy lúy, và cả mùi mồ hôi sau một ngày làm việc nặng nhọc bên ngoài… lên giường. “Chỉ cần nghe mùi của ổng thôi là tui đã chịu hổng nổi rồi. Đừng nói gì đến chuyện gì khác nữa. Nói mãi mà chồng không chịu sửa thì thôi đường ai nấy đi…”- người vợ khóc kể. Dù đã được động viên, hòa giải nhiều lần nhưng người vợ ấy vẫn cương quyết đòi ly hôn. Cũng cần nói thêm, chị buôn bán nhỏ ở thôn quê, cũng chẳng học hành nhiều.
Một trường hợp khác ở huyện Vân Canh. Bởi không chịu được bản tính keo kiệt, quản lý hết tiền bạc của chồng, một phụ nữ đã đứng tuổi, lâu nay vẫn sống dựa vào chồng đã quyết định ly hôn trong sự ủng hộ của đàn con. Sau mấy chục năm chịu đựng, giờ bà không thể chịu đựng thêm nữa dù còn phải nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học. “Tòa tuyên chia đôi tài sản, nhà cửa, nhưng tài sản mà ông chồng đã cố tình giấu mà tòa không biết thì đành chịu. Bà ấy chấp nhận chẳng đòi hỏi gì thêm. Có lẽ, đối với bà ấy đây chính là cuộc đào thoát lớn nhất cuộc đời…”- vị đại diện viện kiểm sát giải quyết vụ án này hóm hỉnh nhận xét.
Thống kê vài năm gần đây của ngành tòa án tỉnh cho thấy, tình trạng ly hôn ngày càng tăng, tỉ lệ thuận với tỉ lệ xin ly hôn của phụ nữ (khoảng 70%). Ngoài các nguyên nhân vì bị đánh đập, ngoại tình, còn có lý do vì chồng thiếu sự cảm thông, không chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con cùng vợ. Thậm chí còn có cả lý do nghe ra có vẻ nhỏ nhặt vì chồng ở bẩn như trên.
Người phụ nữ xưa chỉ biết “xuất giá tòng phu”, “phu xướng phụ tùy” vì bị phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, thì nay, phụ nữ có điều kiện để ngang bằng với chồng trên nhiều phương diện. Vì vậy, họ cũng có quyền được đòi hỏi ở người chồng nhiều hơn.
Nói vậy, không có nghĩa tôi cổ súy việc ly hôn. Nhưng đàn ông chúng ta cũng nên lấy đó để tự xem lại mình. Lâu nay đã làm tốt nhiệm vụ của người chồng, người cha trong gia đình hay chưa. Có lắng nghe, chia sẻ cùng vợ những lo toan vất vả mà vợ chịu đựng. Có ngọt ngào, tình tứ với vợ như thời còn yêu nhau mặn nồng tha thiết?
Thêm một vụ ly hôn, nghĩa là thêm một gia đình đổ vỡ, mất mát. Lại thêm những đứa con thiếu sự chăm sóc của cha, mẹ. Tiếc lắm thay!
|