Phơi rơm, lúa trên quốc lộ làm mất an toàn giao thông
21:36', 15/9/ 2012 (GMT+7)

Cứ vào dịp thu hoạch, trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh ta lại trở thành những “sân” phơi thóc và rơm rạ, làm cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 19, chúng tôi thấy nhiều đoạn đường đang bị biến thành sân phơi của người dân. Có những đoạn tình trạng lấn đường dài hàng vài chục mét, như đoạn qua cầu Bình Tường (từ km 46+630 đến km 47) lúa được người dân phơi tràn lan ra cả tim đường, vạch phân làn. Người dân còn đặt máy tuốt ngay mặt đường để tiện việc tuốt lúa, nên mặt đường trải đầy rơm, có những đống rơm cao 1-2 m nối tiếp nhau làm hạn chế tầm nhìn, gây cản trở giao thông, khiến nhiều xe khách, xe tải phải giảm tốc độ để nhường đường cho nhau.

 

Mặt đường bị chiếm dụng để phơi lúa và tuốt lúa (ảnh chụp lúc 14 giờ, ngày 11.9, đoạn qua địa phận cầu Bình Tường, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).

Anh Đinh Trường Sơn, tài xế xe khách chạy tuyến Gia Lai - Quy Nhơn, chia sẻ: “Qua những đoạn đường bị chiếm dụng phơi rơm, lúa tôi đều phải giảm ga, nếu không muốn gây tai nạn. Không chỉ lấn đường làm sân phơi, bà con còn đứng ra đường để tuốt lúa, gom rơm; nhiều khi chúng tôi phải cho xe chạy qua phần đường bên trái để tránh những đống lúa, đống rơm nên rất không an toàn giao thông!”. Cũng như anh Sơn, anh Nguyễn Văn Tiến, ở thôn Hòa Lạc, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, một người thường xuyên đi làm qua đây tỏ ra ngán ngẩm: “Mới đây vì muốn tránh bụi lúa bay vào mắt khi đi trên quốc lộ mà cha con tôi suýt mất mạng vì va quẹt với mô tô chạy ngược chiều”.

Không chỉ trên Quốc lộ 19, dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn tình trạng biến mặt đường thành sân phơi cũng khá phổ biến.  Ông Văn Công Ánh - Phó giám đốc Công ty CP QL&XD đường bộ Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân không được chiếm dụng lòng, lề đường để phơi nông sản. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn thường xảy ra sau mỗi vụ mùa. Trong khi, việc áp dụng chế độ xử phạt hành chính để răn đe đối với hộ dân vi phạm rất khó thực hiện, mức phạt lại quá thấp, từ 100 đến 200 ngàn đồng nên thiếu tính răn đe”.

Vì sự an toàn của hàng ngàn phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, thiết nghĩ người dân cần ý thức hơn trong việc giữ gìn sự thông thoáng cho các tuyến đường. Ngành chức năng cũng nên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và tiến hành xử phạt thật nghiêm.

  • Kiều Anh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ô tô tải lao vào nhà dân  (15/09/2012)
Xe đầu kéo tông xe máy  (15/09/2012)
Hội nghị tổng kết phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên đường thủy  (14/09/2012)
Trộm vật tư đường sắt  (14/09/2012)
Bắt đối tượng truy nã  (14/09/2012)
Khởi tố vụ trộm dê  (13/09/2012)
Bắt đối tượng truy nã tại công viên  (13/09/2012)
Nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy  (13/09/2012)
Rủ nhau cướp tài sản, cả nhóm cùng vào tù  (12/09/2012)
Phạm 2 tội cùng lúc, lãnh án 7 năm tù  (12/09/2012)
Các bị cáo đều được hưởng án treo   (12/09/2012)
Phơi mì lát làm ô nhiễm khu dân cư  (12/09/2012)
Tắm đập chết đuối  (12/09/2012)
Đánh người, lĩnh 30 tháng tù giam  (11/09/2012)
Cặp vợ chồng hờ mua bán ma túy trái phép  (10/09/2012)