|
CSHS đặc nhiệm bắt cướp trên đường phố Sài Gòn. |
“TPHCM mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đường phố, tạo chuyển biến về tình hình an ninh trật tự xã hội, đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn”.
Đó là khẳng định của Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM và HTV tổ chức ngày 6.1.
Tăng cường một trung đoàn Cảnh sát Cơ động
Đại tá Ngô Minh Châu cho biết trong năm 2012, tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực.
Nạn “đinh tặc” cơ bản được giải quyết. Số vụ phạm pháp hình sự giảm 7%, tỷ lệ điều tra phá án tăng hơn 5% so với năm 2011.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm cướp giật còn diễn biến phức tạp, đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động, gây lo lắng và bức xúc cho cử tri..
Ông Lê Trương Long (cử tri quận 3) kiến nghị lãnh đạo Công an TPHCM có biện pháp cụ thể, kiên quyết để trấn áp nạn cướp giật, kéo giảm tội phạm đường phố.
Đại tá Ngô Minh Châu cho biết mỗi năm TPHCM tiếp nhận 200 nghìn người nhập cư, trong đó nhiều tội phạm trà trộn vào thành phố gây án.
Kinh tế càng khó khăn, tội phạm cướp giật diễn biến càng phức tạp hơn. Qua điều tra, có trên 70% đối tượng bị bắt không có việc làm.
Trong năm 2013, dự báo kinh tế sẽ còn khó khăn hơn nên tình hình tội phạm sẽ tăng và diễn biến phức tạp.
“Từ ngày 15.12.2012, ngành công an đã huy động lực lượng, tập trung giải quyết nạn cướp giật tại TPHCM. Ngoài một trung đoàn CSCĐ Bộ CA tăng cường, Công an và Bộ Tư lệnh TPHCM lập các tổ tuần tra liên ngành (công an, dân quân, bảo vệ dân phố) trang bị đầy đủ vũ khí sẵn sàng trấn áp tội phạm. Ngoài ra, CA TPHCM lập trên 30 tổ (gồm nhiều lực lượng phối hợp như CSHS, CSCĐ, CSGT…) tuần tra 24/24 tại khu vực trung tâm. Công an 24 quận - huyện cũng lập ra các đội đặc nhiệm. Tình hình an ninh trật tự trong mấy ngày qua đã có chuyển biến rõ rệt” - ông Châu khẳng định
Bà Tô Kim Chi (cử tri quận 1) kiến nghị công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, tổ dân phố để người dân nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Nhiều cử tri băn khoăn: Tình trạng thất nghiệp gia tăng dẫn đến nạn cướp giật ngày càng diễn biến phức tạp. TPHCM có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, người lao động không lâm vào thế “bần cùng sinh đạo tặc”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, năm 2012 là năm khó khăn nhất kể từ đổi mới đến nay. Khó khăn đã bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo điều hành.
Trong năm 2013, UBND TPHCM đã đề ra 5 giải pháp khắc phục, tập trung ổn định về tăng trưởng kinh tế để lạm phát không quay lại, đảm bảo an sinh, an toàn trật tự xã hội, vệ sinh thực phẩm…
“Giải pháp đã có nhưng cái khó là khâu triển khai thực hiện. Đất đai và công tác cán bộ là hai “điểm nghẽn” của nền kinh tế.
Thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu, hơn 70% số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai. Việc giải quyết phải từ trên xuống.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều cán bộ đứng đầu các cơ quan còn có biểu hiện quan liêu, sách nhiễu, thậm chí tham nhũng.
TPHCM rất thiếu những người đứng đầu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Việc khắc phục không chỉ xong trong năm 2013 mà còn kéo dài nhiều năm sau” - ông Hà thừa nhận.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, năm 2013, TPHCM đề cao vai trò và truy trách nhiệm cụ thể những cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu có biểu hiện tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ.
“Ngoài ra, đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều cán bộ đứng đầu các cơ quan còn có biểu hiện quan liêu, sách nhiễu, thậm chí tham nhũng. TPHCM rất thiếu những người đứng đầu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà |
. Theo TPO |