Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội từ gia đình, trong 5 năm qua (2008-2012), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và Công an (CA) tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật
Để Nghị quyết liên tịch 01 thật sự phát huy hiệu quả, 5 năm qua, Hội LHPN và CA tỉnh đã phối hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân. Đặc biệt, hai bên đã mở 274 lớp giáo dục pháp luật cho 7.347 đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến; trong đó, Hội LHPN nhận quản lý, giáo dục, giúp đỡ 1.073 em và đã có 416 em tiến bộ, tạo việc làm cho 1.030 em.
|
Đoàn Bình Định tham gia Hội thi tuyên truyền viên giỏi thực hiện Nghị quyết liên tịch 01, do Bộ CA và Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Ảnh tư liệu |
Ngoài ra, Hội LHPN các địa phương còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho các hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp, giúp hội viên đưa ra các biện pháp hợp lý để quản lý, giáo dục con em trong gia đình mình tốt hơn. Các hoạt động đáng chú ý là: Giao lưu kiến thức “Phụ nữ với pháp luật”, hội thảo “Phòng ngừa tội phạm tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”... Hội LHPN và CA còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tham gia quản lý, giáo dục, thăm hỏi, động viên các đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật sau khi chấp hành án trở về tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ xóa mặc cảm và tích cực tham gia lao động, ổn định cuộc sống gia đình.
Đa dạng nhiều mô hình, cách làm hay
Trong 5 năm qua, Hội LHPN và CA tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hiệu quả.
Ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), thông qua mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về ANTT và phòng chống bạo lực gia đình”, Hội LHPN thị trấn đã giúp em T.T.D.T. (SN 1992, ở khu An Hòa) nhận ra những việc làm sai trái của mình và sửa sai. Trước đó, do nghỉ học sớm, T. hay tụ tập bạn bè để ăn chơi, đánh nhau. Hội LHPN thị trấn kịp thời phối hợp với gia đình đến nhà thăm hỏi, động viên, hàng tháng T. đều viết bản kiểm điểm về quá trình phấn đấu của mình. Hiện nay, T. đã có việc làm ổn định.
Cũng giống như T., anh L.H.H., ở khu An Bình, thị trấn Ngô Mây, từng bị tù cho hưởng án treo 1 năm về tội trộm cắp vặt. Nhờ mẹ của H. hay tham gia các cuộc họp của Hội phụ nữ nên bà biết được những cách hiệu quả để khuyên con mình không tái phạm. Đồng thời, Hội LHPN thị trấn cũng đến gia đình thăm hỏi, động viên. Nay H. trở thành một công dân tốt, có việc làm ổn định để phụ giúp gia đình.
Chị Nguyễn Thị Kim Chung, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ngô Mây, chia sẻ kinh nghiệm: “Để cảm hóa, giáo dục các thanh thiếu niên chậm tiến ở địa phương tốt, các chị em trong hội đã nhiệt tình, gần gũi, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng em, từ đó giúp đỡ, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để các em tiến bộ”.
Ngoài ra, còn có một số mô hình tiêu biểu khác như: “Gia đình không có người nghiện ma túy và vi phạm pháp luật” ở xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ), “Tổ phụ nữ tự quản” của Hội LHPN Hoài Nhơn, “Chi hội phụ nữ tự quản về ANTT” (thị xã An Nhơn), CLB Trợ giúp pháp lý (Vân Canh)… đã giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội.
Chị Từ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Hội LHPN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CA tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, giúp họ quản lý tốt con em mình, không vi phạm pháp luật, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục duy trì, nhân rộng nhiều mô hình ở cơ sở góp phần ổn định ANTT trên địa bàn tỉnh”.
|