|
Bà con làng O10, xã Đắk Mang giúp công dựng nhà cho một hộ dân trong làng. |
Việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, làng trên địa bàn huyện Hoài Ân không chỉ giúp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Huyện Hoài Ân có 8/15 xã, thị trấn là xã miền núi, vùng cao, với trên 86.000 dân, trong đó có trên 3.200 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư. Đến nay, đã có 82/82 thôn, làng đã xây dựng hương ước, quy ước, được UBND huyện phê duyệt và đi vào hoạt động.
Nội dung của hương ước, quy ước gắn với các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của quê hương như: Gìn giữ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, khuyến học, xóa đói, giảm nghèo… Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.
Nhờ thực hiện tốt hương ước, quy ước mà nhiều hoạt động, phong trào có ý nghĩa đã xuất hiện ở các làng, thôn, khu dân cư. Như chuyện nhà anh Đinh Văn Thiếu, ở làng O10, xã Đắk Mang là một ví dụ. Gia đình anh Thiếu có đến 7 người, nhưng chỉ quây quần trong ngôi nhà chưa đầy 40m2. Khi anh Thiếu lập gia đình, có khoảnh đất trống sau nhà, bà con trong làng đã người góp công, người ủng hộ cây giúp gia đình anh dựng một ngôi nhà nhỏ để vợ chồng ra riêng. Anh Thiếu phấn khởi cho biết: “Lúc đầu, tôi lo lắng nhiều lắm vì không có đủ tiền để thuê thợ làm nhà, nhưng khi đề đạt nguyện vọng thì được bà con ủng hộ nhiệt tình. Giờ đã có nhà rồi, gia đình tôi mừng lắm”. Cũng từ việc tuân thủ hương ước, quy ước của thôn, phong trào củng cố đường giao thông nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện cũng được bà con hưởng ứng nhiệt tình.
Thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư, ý thức chấp hành quy định ANTT tại nơi cư trú của người dân cũng được nâng lên rõ nét. Ví dụ như trường hợp tranh chấp lối đi chung giữa 2 hộ gia đình ông Nguyễn Đình H. và ông Huỳnh Văn P., ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức. Từ trước đến nay, hai gia đình sử dụng chung một lối đi là con đường mòn, nhưng từ khi có mâu thuẫn, họ lại đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra để đối chiếu, và kết quả là hộ gia đình ông P. không được phép sử dụng lối đi chung này nữa. Nhưng thông qua nhiều lần họp thôn, được cán bộ hòa giải phân tích thiệt hơn, hai gia đình đã nhận thức được vấn đề và đã tự hòa giải, không còn tranh chấp căng thẳng nữa.
Những kết quả tích cực từ việc thực hiện hương ước, quy ước khu dân cư đã giúp người dân Hoài Ân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong năm 2012, huyện đã tổ chức thành công liên hoan làng văn hóa, thôn văn hóa lần thứ 4; liên hoan tuyên truyền dân số toàn huyện lần thứ 1, với 14 đội tham gia.
Bà Nguyễn Thị Bích Hiển, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hoài Ân, nhận xét: “Từ khi có hương ước, quy ước, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, phong trào giữ gìn vệ sinh, phòng, chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất luôn được các địa phương trong huyện hưởng ứng tích cực. Quan hệ xóm giềng, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư được giữ vững. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể. Các nghi thức tang lễ được tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Việc tổ chức lễ cưới đảm bảo sự trang trọng, lịch sự và đúng nếp sống mới…”.
|