|
Cảnh một phiên tòa xử. Ảnh: THU HÀ |
Điều 45 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Quan điểm chủ đạo của BLHS là nghiêm trị những kẻ cầm đầu, ngoan cố nhưng phải thể hiện tính vị tha trước những người phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng và biết ăn năn hối cải. Trong BLHS có một chế định về án treo. Tại Khoản 1 Điều 60 BLHS quy định: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo”.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân tiêu cực, một số tòa án đã quá lạm dụng các tình tiết giảm nhẹ để xét cho hưởng án treo, gây bức xúc trong dư luận.
Thứ nhất, tù giam và phạt tù nhưng cho hưởng án treo một cách “ngẫu hứng”, không theo một trật tự pháp luật nào.
Dễ nhận thấy nhất là tình trạng cho bị cáo được hưởng án treo thì quyết định một mức hình phạt rất cao; còn xét xử tù giam thì lại hạ rất thấp so với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, dẫn đến có trường hợp quan điểm giữa Viện kiểm sát (VKS) và tòa án “vênh” nhau 1800. Đơn cử, có trường hợp VKS đề nghị xử phạt bị cáo 6 tháng tù giam nhưng tòa lại xử 30 tháng tù cho hưởng án treo. Hoặc, trường hợp VKS đề nghị xử 15-20 tháng tù cho hưởng án treo, nhưng tòa lại xử bị cáo 6 tháng tù giam. Có bị cáo bị tòa án xử 3 tháng tù giam, VKS cho rằng nhẹ nên kháng nghị tăng hình phạt; cấp phúc thẩm “chấp nhận tăng hình phạt theo kháng nghị” và xử phạt 6 tháng tù nhưng lại cũng cho hưởng án treo?
Thứ hai, hệ lụy từ ấn định chỉ tiêu làm tiêu chí đánh giá.
Một số địa phương xem tỉ lệ án treo như một tiêu chí đánh giá chất lượng công tác xét xử và tinh thần phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Với tỉ lệ án treo trung bình 25% ở một huyện nọ trong tỉnh, có quan điểm cho rằng đây là một tỉ lệ chấp nhận được; nhưng cũng có người cho rằng nên giới hạn ở mức 15% để đảm bảo tính răn đe. Cá biệt, có địa phương đưa ra chỉ tiêu thi đua khống chế tỉ lệ án treo không quá 10 đến 20%; hoặc có địa phương tuy không định lượng nhưng lại quy định chỉ tiêu thi đua mang tính chất định tính là “hạn chế đến mức thấp nhất việc phạt tù nhưng cho hưởng án treo”.
Nhưng chính sự ràng buộc trách nhiệm, ấn định tỉ lệ án treo của các cấp, các ngành đối với các cơ quan pháp luật, đã làm nảy ra hệ lụy khác. Đó là để đối phó, một số tòa án có động thái “cân đối” án treo. Có trường hợp, lẽ ra được hưởng án treo nhưng vì không biết “quan hệ” nên bị xử tù giam, và ngược lại. Có những tòa án vào gần đến thời điểm báo cáo cấp ủy, HĐND hoặc ngành cấp trên, khi thấy tỉ lệ bị cáo được hưởng án treo từ đầu năm đến nay cao, nên đã định hướng xử án giam nhiều hơn (cho dù các trường hợp này có điều kiện được hưởng án treo). Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, không thể hiện hết tính nghiêm minh cũng như khoan hồng của pháp luật.
Để hạn chế tình trạng này, trước mắt, cấp ủy, HĐND và cơ quan pháp luật các cấp cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phạt tù nhưng cho hưởng án treo nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, hạn chế tiêu cực qua công tác xét xử.
|