|
Đại tá Nguyễn Kim Hải – Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt |
Những ngày qua, việc hiểu rõ quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ tại Thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an còn nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, theo Thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an, chỉ những Cảnh sát giao thông (CSGT) mang biển hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo biển hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành.
Ý kiến khác lại cho rằng, việc Cảnh sát giao thông đeo hay không đeo biển hiệu không ảnh hưởng tới thẩm quyền xử lý vi phạm giao thông nói chung, cũng như việc dừng phương tiện để kiểm tra nói riêng. Người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải hợp tác với Cảnh sát giao thông nếu được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.
Đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ
Để hiểu về quy định này, phóng viên đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Kim Hải - Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
Ông Hải cho biết, theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA của Bộ Công an, Cảnh sát giao thông đường bộ phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và chỉ được sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, theo quy định, các cán bộ này có quyền thực hiện các hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Kim Hải nhấn mạnh, Cơ quan chỉ bố trí những cán bộ đã được cấp biển hiệu, Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư 45/2012/TT-BCA làm nhiện vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tổ tuần tra bố trí cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng xe
Trong mỗi Tổ tuần tra, kiểm soát chỉ được bố trí 1 cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng xe.
Trường hợp do yêu cầu đấu tranh chống tội phạm; khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông thì số lượng cán bộ thực hiện hiệu lệnh dừng xe sẽ do Tổ trưởng quyết định theo quy định.
Trong một số tình huống nhất định (tình huống lái xe vi phạm, có dấu hiệu tội phạm), các lực lượng cảnh sát khác có thể xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, mục đích để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Ông Hải cho biết thêm, để được cấp biển hiệu, Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đã phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt. Đặc biệt là phải trải qua tập huấn về công tác tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua tập huấn, Cảnh sát giao thông sẽ phải thi trắc nghiệm, đạt yêu cầu mới được cấp Giấy chứng nhận và cấp biển hiệu.
Khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đường bộ, Cảnh sát giao thông phải đeo biển hiệu này, biển hiệu có giá trị thay thế số hiệu Công an nhân dân. Khi không làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, các cán bộ Cảnh sát giao thông đeo số hiệu Công an nhân dân bình thường.
Đã cấp xong biển hiệu cho Cảnh sát giao thông
Ông Hải cũng cho biết, việc Bộ Công an ban hành Thông tư 45/2012/TT-BCA nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc này cũng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm giả danh Cảnh sát giao thông làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Đến hết ngày 31-12-2012, lực lượng Cảnh sát giao thông trong cả nước đã hoàn thành xong việc tổ chức, triển khai tập huấn và cấp biển hiệu, Giấy chứng nhận cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cho những cán bộ Cảnh sát giao thông làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
Biển hiệu Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ hình chữ nhật, dài 85,6mm, rộng 53,98mm;chất liệu polymer. Nền biển hiệu màu xanh da trời, hình Công an hiệu in chìm ở khoảng giữa, chữ màu đen. Thông tin in trên biểu hiệu gồm: Tên đơn vị công tác, ảnh, họ tên, chức vụ, số (số hiệu Công an nhân dân của cán bộ được cấp biển hiệu) và tem bảo mật.
Biển hiệu có thời hạn sử dụng 3 năm. |
Thông tư 45/2012/TT-BCA cũng quy định trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận:
1. Chỉ được sử dụng biển hiệu, Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Bảo quản, giữ gìn biển hiệu, Giấy chứng nhận tránh để rách, hỏng, mất.
3. Phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu.
4. Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu Công an nhân dân.
5. Khi mất biển hiệu, Giấy chứng nhận phải báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp để có văn bản thông báo đến Công an các đơn vị, địa phương phối hợp truy tìm. |
. Theo Chinhphu.vn |