Ở chốn sân tòa
21:23', 19/1/ 2013 (GMT+7)

Sân tòa, nơi đầu tiên đương sự bước chân vào chốn “đáo tụng đình”, và cũng là nơi chứng kiến mọi hỷ, nộ, ái, ố của họ khi phiên tòa đã bế mạc. Một anh bảo vệ của TAND nọ kể chuyện vui: “Có hôm tôi thấy một chị vừa bước chân khỏi bậc tam cấp đã hớn hở, vui mừng không tả xiết. Hỏi, chị bảo tui được ly hôn rồi, khỏi bị chồng đánh nữa. Nhìn chị, tôi nhớ ra người cách mấy tháng trước vào cổng đeo đôi kính đen to choáng hết cả khuôn mặt. Tôi nhắc “Đề nghị chị mở kính ra” thì chị ta giơ kính lên cao, để lộ đôi mắt bầm đen như mắt gấu trúc, nói anh thông cảm, mắt mũi vầy sao dám không đeo kính được. Chồng tôi đánh ác lắm”.

Lại cũng có những người, trong phiên tòa, dù rất ấm ức “người bên kia” nhưng không thể phản ứng quyết liệt được, đến khi tòa bế mạc thì nỗi tức tối ấy mới được dịp “phun trào”. Đôi bên đương sự đã ra khỏi cổng tòa án mà vẫn còn chửi nhau, giơ nắm đấm đe dọa. Có một ông chú, trong phiên tòa xử vợ chồng đứa cháu trai ly hôn, đã rất điềm tĩnh trả lời mọi câu hỏi của HĐXX và trả lời đối chất giữa hai bên. Khi tòa tuyên người cháu dâu không phải trả món nợ hơn 1 cây vàng mà hai vợ chồng họ vay của ông, thì ông không chờ được lúc ra đến sân, mà ở ngay trong sảnh dưới khán phòng, hầm hầm bước về phía nhà thông gia tuyên bố: “Tao sẽ cho giang hồ xử tụi bay. Tưởng nuốt của tao được chắc”. Sự việc ầm ĩ đến mức lực lượng cảnh sát phải đến can thiệp, song cả gia đình cô cháu dâu cũ vẫn không dám bước ra khỏi cổng tòa án tỉnh.

Sân tòa. Nơi chứng kiến biết bao giọt nước mắt, tiếng kêu gào của người thân bị cáo khi thấy con cháu mình đi tù. Cả những lời mắng mỏ, bất bình từ phía gia đình bị hại đối với gia đình bị cáo. Những cái ngoái đầu, ánh nhìn ân hận của bị cáo với người thân trước khi bước lên chiếc xe chở phạm nhân bịt bùng. Với họ, đường trở về nhà sao thăm thẳm, diệu vợi đến vậy. Tôi vẫn không thôi day dứt khi nhớ lại đôi bàn tay bé nhỏ, chấp chới của đứa trẻ lên hai gọi “ba, ba” trên bậc tam cấp khi thoáng thấy bóng cha bước lên xe tù. Cả tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành bé sẽ thiếu đi sự dạy dỗ, chở che của người cha. Bởi, ba của bé vừa bị kết án tù chung thân.

Song, ám ảnh tôi hơn cả là hình ảnh những đứa trẻ chơi thơ thẩn trong sân tòa, trèo lên trèo xuống nơi bậc tam cấp hay cầu thang, chờ cha, mẹ viết đơn xin ly hôn hoặc chờ tòa đang phân xử cha mẹ chúng. Có lần, một cháu bé đến hỏi tôi rằng: “Cô ơi, tòa xử xong rồi thì cháu có được ở chung với ba và mẹ nữa không? Mẹ cháu bảo nay mai cháu không được đến nhà ông bà nội nữa”. Còn một anh cảnh sát hỗ trợ tư pháp kể rằng, có hôm anh ngắm không biết chán đứa trẻ xinh như thiên thần được người thân bế ẵm ở hành lang. Bên trong, bố mẹ bé đang tranh giành quyền nuôi bé. Khi người chồng đề nghị với HĐXX để mình nuôi con, cô vợ trẻ đã nức nở rồi khóc ré đến mức phiên tòa đã không thể tiếp tục được nữa. “Tội cho đứa trẻ xinh như vậy lại sống không có bố hoặc mẹ”, anh cảnh sát trầm tư.

Sân tòa, ngày ngày vẫn diễn ra những câu chuyện như vậy.

  • NGUYỄN SƠN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai người chết vì tai nạn giao thông  (19/01/2013)
Đột tử tại đám giỗ  (19/01/2013)
Tàng trữ sách bói toán   (18/01/2013)
Vượt ẩu gây tai nạn liên hoàn  (18/01/2013)
CSGT đeo “thẻ xanh” khi tuần tra, kiểm soát  (18/01/2013)
Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự dịp Tết  (17/01/2013)
Bắt quả tang một điểm kinh doanh pháo nổ trái phép  (17/01/2013)
Đối tượng truy nã đầu thú  (17/01/2013)
3 năm tù dành cho tài xế tông chết cùng lúc 3 người  (17/01/2013)
Phá đường dây đánh bạc quốc tế nghìn tỷ  (17/01/2013)
Nên kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC tại cảng cá Tam Quan Bắc  (16/01/2013)
Dân phong tỏa đường vào Cụm công nghiệp Nhơn Bình  (16/01/2013)
Tắm hố, một học sinh tử vong   (16/01/2013)
Phát hiện 2.766 kg trái cây không rõ nguồn gốc  (16/01/2013)
Phát huy vai trò của các cấp Hội Luật gia  (16/01/2013)