Thời gian gần đây, tình trạng bà con nông dân kéo điện ra đồng bơm nước tưới lúa hay sử dụng điện sinh hoạt nhưng không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn điện diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương.
|
Những “mạng nhện” điện giữa cánh đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn điện (ảnh chụp tại cánh đồng lúa thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Ảnh: LỢI NGUYỄN
|
Ở huyện Phù Cát, tại cánh đồng lúa trên địa bàn 2 thôn Chánh Lợi và Thắng Kiên (xã Cát Khánh), bà con nông dân kéo điện ra đồng bơm nước tưới ruộng với những cột điện bằng tre, bạch đàn xiêu vẹo đủ mọi tư thế; dây điện với chi chít những mối quấn sơ sài bằng bao nhựa ni lông nằm là là trên mặt nước. Nguy hiểm hơn, nhiều đường dây điện dài hàng trăm mét được kéo từ sau công tơ của đơn vị cung cấp điện băng đồng về nhà nhưng chỉ được chống dựng tạm bợ bằng những trụ tre, lâu ngày đã mục nát.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng người dân sử dụng điện không an toàn, ông Đồng Quang Vinh - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp xã Cát Khánh, đơn vị trực tiếp quản lý lưới điện tại 2 thôn Chánh Lợi và Thắng Kiên, cho biết: “Hiện nay, HTX trực tiếp quản lý gần 2.000 hộ sử dụng điện tại tất cả 7 thôn trên địa bàn. Để đảm bảo an toàn việc kéo, sử dụng điện bơm nước tưới lúa vào mùa vụ sản xuất, HTX chỉ đóng điện cho những hộ gia đình tuân thủ đúng, đủ các nguyên tắc sử dụng điện… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ không đủ điều kiện lén lút câu dây ra đồng”.
Tương tự, việc sử dụng điện để sản xuất tại nhiều cánh đồng trên địa bàn thôn Xuân An, xã Cát Minh (Phù Cát) cũng không khá hơn. Hình ảnh một trụ điện gồng gánh từ 10-15 công tơ điện, thậm chí, có trụ điện 20 công tơ điện là điều thường thấy ở đây.
Về công tác đảm bảo an toàn lưới điện nông thôn, ông Phạm Ngọc Ánh - Giám đốc Điện lực huyện Tuy Phước, cho rằng: “Hằng năm, Điện lực huyện đã thực hiện nhiều đợt duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp mạng lưới điện, qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ điện. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên khuyến cáo bà con không nên sử dụng những trụ, dây dẫn điện không đảm bảo an toàn để kéo điện từ sau công tơ về nhà sử dụng…”.
Thế nhưng trên thực tế, tình trạng các mạng điện dọc theo tuyến đường liên thôn, liên xã ở Phước Lộc, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) vẫn còn nhiều bất cập; đường dây điện được mắc xuyên qua hóc cây, lùm cây, mái tôn; trụ điện xiêu vẹo cũng luôn thường trực đe dọa người đi đường, người làm đồng...
Lâu nay, tình trạng mất an toàn từ lưới điện nông thôn ở tỉnh ta đã thường xuyên diễn ra. Quý nào, năm nào cũng có người chết, bị bỏng nặng vì tai nạn điện nhưng việc quản lý điện an toàn vẫn chưa được cải thiện. Nên chăng, ngành điện phối hợp với chính quyền các cấp có những phương án thích hợp để kiên cố hóa hệ thống điện nông thôn, trong đó có sự đóng góp một phần của người sử dụng điện.
|