Thi hành án phạt tù là thực hiện biện pháp cưỡng chế của Nhà nước để trấn áp, giáo dục và cải tạo người phạm tội. Đây là một trong những hoạt động tư pháp hình sự gắn liền với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì thế, nhiệm vụ của thi hành án không chỉ dừng lại ở việc thực hiện đầy đủ những nội dung được ghi nhận trong bản án và quyết định của tòa án mà còn tạo những điều kiện cần thiết để những người chấp hành xong hình phạt tù có thể trở lại cuộc sống bình thường như bao công dân khác.
Điều 3 Bộ luật Hình sự quy định một nguyên tắc xử lý tội phạm của Nhà nước ta là: Người chấp hành xong hình phạt tù phải được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có điều kiện như luật định thì được xóa án tích. Các vấn đề trong công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù còn quy định tại nhiều văn bản khác. Theo tinh thần đó thì các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được áp dụng cả trong giai đoạn chấp hành án phạt tù lẫn giai đoạn chấp hành xong hình phạt, gồm: Lao động, giáo dục văn hóa, dạy nghề, xét giảm án, đặc xá, trao trả người chấp hành án phạt tù trở về địa phương, tiếp nhận đối tượng trở về nơi cư trú, giáo dục pháp luật, hỗ trợ tìm việc làm... Như vậy, các quy định này cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, gia đình, nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.
Thời gian qua, phần lớn những người chấp hành xong hình phạt tù đã làm lại cuộc đời, có cuộc sống tương đối ổn định, nhiều người trong số họ đã trở nên giàu có nhờ ý chí vươn lên và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tình trạng người tái phạm, thậm chí là tái phạm nguy hiểm không phải ít, đặc biệt tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên, và đang trở thành vấn đề gây bức xúc cho toàn xã hội.
Tình trạng tái phạm xảy ra phổ biến ở một số tội như: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm..., mà đa phần phạm nhân là những người chây lười lao động, quen lối sống hưởng thụ, xa hoa. Câu hỏi đặt ra là phải chăng một số chính sách về tái nhập chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thiếu các biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện tốt chính sách tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, có không ít tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, quan tâm trong khâu giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, giúp những người lầm lỡ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng của một bộ phận cán bộ, tổ chức chính quyền?
Tái hòa nhập cộng đồng - quá trình khôi phục lại những quyền và lợi ích của người bị kết án đã bị pháp luật tước bỏ - đang gặp phải những khó khăn từ điều kiện khách quan và bản thân người bị kết án. Đây là quá trình đòi hỏi có sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội, trong đó vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về các cơ quan có trách nhiệm thi hành án phạt tù, chính quyền địa phương, gia đình và người thân của người đã chấp hành xong hình phạt tù.
|